Xã hội
Tỉnh Yên Bái dành nguồn lực cho trẻ em dân tộc thiểu số
10:31 AM 28/07/2023
(LĐXH) - Nằm ở khu vực miền núi phía Bắc, đời sống người dân ở Yên Bái còn rất nhiều khó khăn, nhất là các khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào, vùng sâu, vùng xa, địa phương đã triển khai nhiều chính sách phát triển xã hội, đặc biệt đã dành nguồn lực cho công tác trẻ em, thông qua chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án, kế hoạch hành động về bảo vệ trẻ em. Các nội dung về công tác trẻ em được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương…

Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện trên địa bàn huyện Trạm Tấu hiện có hơn 13.600 trẻ em, trong đó có hơn 13.100 trẻ em dân tộc thiểu số, 121 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 6.800 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Ban Chỉ đạo Bảo vệ chăm sóc trẻ em huyện Trạm Tấu thường xuyên tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phân công các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh phát động xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em; tranh thủ các nguồn lực ủng hộ xã hội hóa cho các hoạt động vì trẻ em, tổ chức trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các dịp lễ, tết.

Tuyên truyền, vận động trực tiếp cho đồng bào DTTS về các vấn đề liên quan đến trẻ em

Để nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và toàn xã hội về công tác trẻ em, địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức như: tổ chức các diễn đàn trẻ em các cấp; tuyên truyền trên hệ thống loa đài từ huyện đến cơ sở; treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi; phối hợp với các nhà trường giáo dục truyền thông về kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Đồng thời, UBND các xã, thị trấn còn thường xuyên tổ chức truyền thông về quyền trẻ em, thúc đẩy bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; tổ chức họp các câu lạc bộ trẻ em nòng cốt, câu lạc bộ làm cha mẹ; tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em, Tết Trung thu... Nhờ đó giúp cho trẻ em trên địa bàn được giao lưu, trao đổi, chia sẻ tâm tư nguyện vọng, ước muốn của mình với các cấp lãnh đạo nhất là lãnh đạo huyện và được nghe lãnh đạo huyện nói chuyện về lịch sử, luật pháp, quyền và nghĩa vụ của trẻ em...

Cùng với hoạt động tuyên truyền, công tác chăm sóc trẻ em cũng được các cấp, các ngành huyện Trạm Tấu đẩy mạnh hỗ trợ. Mọi trẻ em đều được chăm sóc sức khỏe; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em DTTS, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên quan tâm; 100% trẻ em trong độ tuổi được thực hiện đầy đủ việc chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầu và tiêm chủng; 100% trẻ em được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trẻ em được tư vấn, hỗ trợ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi theo quy định của pháp luật.

Tại huyện Mù Căng Chải, nhờ sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước về cơ sở vật chất, những giải pháp hữu hiệu cho giáo dục dân tộc, chất lượng giáo dục đã có những bước tiến đáng kể, giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến rõ nét. Đặc biệt là việc triển khai Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, bởi ngôn ngữ giữ vai trò hết sức quan trọng giúp trẻ phát triển trí tuệ và tham gia học tập ở trường phổ thông. Đến nay, 100% trẻ DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được tăng cường tiếng Việt. Kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong học tập và trong giao tiếp của các em có nhiều tiến bộ. Các cơ sở giáo dục xây dựng và làm mới góc thư viện cho trẻ, thư viện ngoài trời, thư viện lớp học; xây dựng góc dân gian (góc cộng đồng), chợ quê, góc tuyên truyền mang bản sắc văn hóa… dán nhãn tiếng Việt. Các thầy, cô tích cực sưu tầm các bài hát, câu chuyện, trò chơi truyền thống của người địa phương, biên tập thành tuyển tập thơ, truyện, trò chơi, câu đố...

Công tác giáo dục cho trẻ em vùng đồng bào ngày càng được cải thiện tích cực

Cùng với đó, nhận thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho trẻ để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con sớm, các cấp chính quyền ở Mủ Căng Chải đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, gia đình và bản thân trẻ em. Được sự hỗ trợ nguồn lực từ một số dự án phi Chính phủ, địa phương đã tổ chức được các buổi tập huấn, tập trung ở các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, trình độ dân trí hạn chế và còn nhiều tập quán lạc hậu như: bắt vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tư tưởng trọng nam khinh nữ, mong muốn có con sớm, sinh nhiều con…

Bằng nhiều hình thức, phương pháp tiếp cận, hoạt động giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản cho người dân tại cộng đồng đã từng bước được cải thiện. Cha mẹ của trẻ được nâng cao kỹ năng giao tiếp hiệu quả và yêu cầu bên đáp quyền thực hiện tốt các quyền trẻ em. Trẻ em được cung cấp thêm kiến thức về sức khoẻ sinh sản, những thay đổi tuổi dậy thì về tâm sinh lý, cơ thể và giao tiếp.

Những việc làm cụ thể, thiết thực mà các địa phương triển khai đã và đang góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng với trẻ em, chuyển biến trong chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở Yên Bái. Đồng thời thông qua những hoạt động này đã tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em nhất là trẻ em DTTS, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, hướng đến một tương lai tươi sáng, hạnh phúc.

Đăng Doanh

Từ khóa: Trẻ Em DTTS yên Bái