Xã hội
Tìm lại bình yên trên vùng "đất chết"
11:19 AM 03/05/2020
(LĐXH)-Chiến tranh lùi xa nhưng di chứng mà nó để lại ở mảnh đất Quảng Trị vẫn âm ỉ. Việc dọn dẹp hậu chiến để cuộc sống người dân được bình an, để nhà đầu tư khắp nơi tìm đến, có sự góp phần không nhỏ của hàng ngàn con người tham gia rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ để tìm lại bình yên trên những vùng "đất chết".
Trong thời kỳ chiến tranh, địa bàn thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) từng xảy ra nhiều trận giao tranh bộ binh ác liệt do nơi đây có nhiều đồn bốt quân sự. Những năm từ 1968 đến 1972, máy bay Mỹ ném bom rải thảm khiến khu vực này bị tàn phá vô cùng nặng nề, nhiều người dân phải bỏ làng đi nơi khác trú ẩn.
Hòa bình lập lại, người dân địa phương bắt đầu xây dựng lại cuộc sống. Sinh kế chính của cộng đồng ở đây là trồng hoa màu và cây lâm nghiệp (chủ yếu là tràm). Tuy nhiên, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh luôn là mối đe dọa hàng ngày đối với sự an toàn của người dân và cản trở họ sử dụng đất canh tác.

Nhân viên đội Rà phá bom mìn MAG đang rà vật liệu chưa nổ trên hiện trường

Ông Lê Phước Thông, một người cao tuổi trong thôn Thượng Xá kể lại: “Những ngày mới trở về đây sinh sống, đi đâu chúng tôi cũng bắt gặp bom bi nằm lăn lóc ngổn ngang trên mặt đất, có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Sợ lắm nhưng chúng tôi vẫn phải liều mình di chuyển từng quả bỏ vào hố bom hoặc bụi rậm để có thể tiếp tục cuốc đất trồng cây. Dù biết nguy hiểm nhưng cuộc sống khó khăn quá, không còn cách nào khác, chúng tôi vẫn phải bám đất mưu sinh”.
Theo số liệu địa phương ghi lại, từ sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975 đến nay, trên địa bàn thôn Thượng Xá đã xảy ra 12 vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra, làm một người chết và 11 người bị thương. Những vụ tai nạn bom mìn này đã làm gia tăng nỗi sợ hãi trong nhân dân. Vì sợ bom mìn, nhiều gia đình đã phải bỏ hoang một phần đất, không dám canh tác; nhiều gia đình không dám cày cuốc sâu, vì thế mà năng suất cây trồng cũng hạn chế, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khuôn khổ dự án lồng ghép khảo sát và rà phá bom chùm giữa Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) và Quỹ viện trợ nhân dân Na-uy (NPA), qua khảo sát, NPA đã xác định một hiện trường có diện tích 93.477m2 được khẳng định ô nhiễm bom chùm tại thôn Thượng Xá.
Theo phân công của Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, MAG triển khai hai đội Rà phá bom mìn do Văn phòng Tháo gỡ và Giải trừ vũ khí Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (PM/WRA) tài trợ đến hiện trường này. Trong vòng hai tháng, các đội đã rà tìm và phá hủy an toàn 38 vật liệu chưa nổ (VLCN), trong đó có 17 bom bi, trả lại 93.477m2 đất an toàn cho người dân địa phương sử dụng.
Còn trên trảng cát rộng mênh mông ven xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong) là bãi hủy bom mìn tập trung (quy định hoạt động vào ngày thứ sáu hàng tuần), có hàng chục loại bom mìn sát thương do nhân viên các dự án rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ ở Quảng Trị đưa về, chờ tiêu hủy. Cụ Nguyễn Văn Thành (70 tuổi, xã Triệu Sơn) mang trên mình không ít vết thương chiến tranh, đang tỉ mẩn khai hoang đất, tâm sự: Mỗi lần nghe tiếng nổ vọng lại từ cồn cát đằng xa, thay vì sợ hãi, lo lắng, người dân trong xã lại thở phào. Từ lâu, bà con nơi đây đã quen với hoạt động hủy nổ tập trung diễn ra ít nhất 2 lần/tuần trên địa bàn. Họ vui khi biết số bom mìn, vật liệu nổ vừa được cán bộ, nhân viên các tổ chức phi chính phủ xử lý, sẽ không còn đe dọa bất cứ ai. Trước kia, có thời điểm, một bộ phận người dân trong xã từng gác cày cuốc vì nỗi sợ mang tên bom mìn. Họ đã chứng kiến nhiều người sớm tinh mơ dắt trâu ra đồng và vĩnh viễn không trở về sau tiếng nổ vang khô khốc, lạnh lùng…

Chị Trần Thị Hương chăm sóc vườn tràm trên mảnh đất được MAG rà sạch bom mìn

Như mọi ngày, sau khi khoác bộ đồng phục kaki, đội nón tai bèo, mang giày bốt, chị Trương Thị Thu Vân (25 tuổi, trú xã Trung Hải, Gio Linh, Quảng Trị) lặng lẽ với công việc của mình. Giữa khoảnh đất rộng 200m2 vừa khoanh vùng tại khu rừng tràm rộng 570.000m2 ở thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong), 2 người trong đội của chị Vân dùng dây chia ô kích thước 50mx50m, rồi lại chia thành các luống ngang chừng 1,5m để rà tìm bom mìn. 
Chị Trương Thị Thu Vân, tâm sự: Khi máy rà phát hiện vật thể đáng nghi trong lòng đất, mọi người trong đội cắm cờ đỏ định vị tại vị trí phát hiện để nhóm khác đến kiểm tra, xác định vị trí chính xác và xử lý. Cứ thế, theo quy trình kỹ thuật, các nhân viên tiến hành bóc tách dần lớp đất sâu cả mét cho đến khi phát hiện bom mìn hoặc vật liệu nổ… Cả đội họp lại đánh giá tình trạng để xác định nguyên lý, cơ cấu kíp nổ trước khi tháo dỡ. Với các vật liệu nhạy nổ như bom bi, đạn chùm... thì hủy nổ tại chỗ, còn đạn mất kíp, bom lớn, đạn chưa sử dụng thì đưa về bãi nổ tập trung.
Chị Trần Thị Hương, một hộ nông dân có đất trên hiện trường được MAG rà phá phấn khởi cho biết: “Sau khi MAG rà phá, gia đình tôi và các hộ gia đình khác rất vui mừng vì lần đầu tiên sau nhiều năm chúng tôi cảm thấy yên tâm canh tác trên chính mảnh đất của mình mà không còn phải lo sợ bom đạn như trước nữa. Nhà tôi có 8.000m2 đất nhưng trước đây chỉ dám sử dụng một nửa, nửa còn lại phải bỏ hoang. Giờ chúng tôi rất tự tin trồng tràm trên toàn bộ diện tích đất để tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Với sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc làm sạch bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị nói chung, hai địa phương kể trên nói riêng, những vùng đất một thời bị ô nhiễm bom mìn nặng, mà người dân thường gọi là vùng “đất chết” đã được hồi sinh.

Chí Tâm