Xã hội
Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
05:40 PM 27/04/2018
(LĐXH) - Ngày 27/4/2018, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức họp báo thường kỳ tháng 4/2018 dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh. Tham dự buổi họp báo còn có các đại diện lãnh đạo đến từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các đơn vị liên quan.
Ước đến hết tháng 4/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,75 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; tham gia BHTN là 11,6 triệu người; tham gia BHYT là 80,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số. Tổng số thu BHXH, BHTY lũy kế hết tháng 4/2018 toàn Ngành đạt 96.747 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Trong tháng 4, ngành đã giải quyết chế độ BHXH cho hơn 1,1 triệu lượt người; Lũy kế 4 tháng đầu năm 2018 đã giải quyết cho hơn 3,3 triệu lượt người. Cũng trong tháng 4, cả nước có khoảng 15,6 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT; lũy kế 4 tháng đầu năm có trên 55 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT.
Cùng với đó, toàn ngành đã giải quyết cho 52.662 lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ kinh phí học nghề cho 3.386 lượt người; lũy kế 4 tháng đầu năm, giải quyết cho 133.730 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 8.731 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tính đến ngày 31/3/2018, BHXH các tỉnh, thành phố đã bàn giao được 11.325.624 sổ BHXH cho người lao động, đạt 78,81 % so với tổng số sổ BHXH phải bàn giao. Tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra của toàn Ngành là 943 đơn vị, trong đó: số đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 443 đơn vị; số đơn vị được thanh tra, kiểm tra liên ngành là 348 đơn vị; số đơn vị được kiểm tra là 152 đơn vị.   
   Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban Thu BHXH Việt Nam thông tin về số thu BHXH tháng 4/2018
Thông tin về tình hình khám, chữa bệnh BHYT trong quý I/2018, đại diện lãnh đạo Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết, tính đến 24/4/2018, các cơ sở y tế đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt khám chữa bệnh; chi phí đề nghị thanh toán: 26.120 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2017, số lượt khám bệnh, chữa bệnh tăng 12,08%; chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng 19,21%, bằng 28,93% dự toán được giao. Số lượt khám, chữa bệnh gia tăng cao nhất tại tuyến huyện với 2,7 triệu lượt tăng 14,95%; Tuyến tỉnh: 14,03%, Trung ương: 17,11%. Chi phí khám, chữa bệnh gia tăng cao nhất tại tuyến Tỉnh với 1.999 tỷ đồng tăng 19,74%; tại tuyến Huyện: 18,92% và tuyến TW 17,18%, tuyến xã 14,4%. Tỷ lệ vào điều trị nội trú chung toàn quốc là 8,6%; một số các tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú cao hơn tỷ lệ chung: Phú Thọ (17,72 %); Hà Giang (17,46%); Thanh Hóa (16,5%); Sơn la (16,46%), Vĩnh Phúc (16.19%). Chi phí tiền ngày giường điều trị cao nhất trong quí 1/2018, số tiền 3.711 tỷ đồng (quí 1/2017 là 2.783 tỷ đồng), chi phí gia tăng 928 tỷ đồng; các tỉnh có gia tăng chi tiền giường cao: Thừa Thiên Huế 90,6 tỷ đồng (tăng 46,32%), Quảng Bình 41,8 tỷ (tăng 24,35%), Sơn La 45 tỷ (tăng 16,52%)… Một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm 2017; tiêu biểu là dịch vụ kỹ thuật nội soi Tai Mũi Họng giảm 23,9% so với cùng kỳ 2017 (quý I năm 2017: số lượt: 622.470, số tiền: 121,5 tỷ đồng; quí I năm 2018: số lượt: 464.606, số tiền: 92,5 tỷ đồng). Bình quân ngày điều trị chung toàn quốc cũng có thay đổi, giảm từ 7,12 ngày/đợt điều trị xuống còn 6,87 ngày, tương đương với số ngày điều trị giảm 866.971 ngày.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc thông tin về tình hình Khám chữa bệnh
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của nhiều quốc gia, được căn cứ, tính toán xuất phát từ thực tiễn tuổi thọ trung bình, năng suất lao động và các yếu tố khác của thị trường lao động hay bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Tính bền vững của Quỹ BHXH chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố cần xem xét để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, các tin bài về nội dung này cần hết sức thận trọng, bảo đảm phản ánh đúng, đủ bản chất vấn đề, không để người dân hiểu sai hoặc thiếu toàn diện về chủ trương, chính sách An sinh xã hội của Nhà nước. Khi phản ánh đúng, đủ bản chất của chính sách, niềm tin của người dân sẽ được hình thành, góp phần để quá trình tổ chức thực hiện đạt kết quả trong thực tiễn, điều này đặc biệt quan trọng, nhất là với chính sách mang tính chất dài hạn như BHXH.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TBXH) phát biểu tại cuộc chọp
Trả lời về vấn đề Đề án cải cách chính sách BHXH, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh: các phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được nhiều cơ quan báo chí đề cập trong thời gian gần đây vẫn là dự kiến, đề xuất và đều đang được nghiên cứu và đánh giá tác động cùng với nhiều nội dung khác thuộc Đề án cải cách chính sách BHXH. Tại Hội nghị Trung ương 7 tới đây, Đề án cải cách chính sách BHXH sẽ được cho ý kiến thảo luận, trên cơ sở đó, phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ có định hướng, tạo cơ sở sửa đổi, cụ thể hóa trong các văn bản luật.  
Phát biểu kết thúc buổi họp báo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục tích cực đồng hành cùng cơ quan BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện BHXH, BHYT. Đặc biệt, với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, các biên tập viên, phóng viên cần liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH để có được nguồn thông tin chuẩn, phản ánh đúng bản chất vấn đề để người dân hiểu và duy trì niềm tin với chủ trương, chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia BHXH, BHYT, đây là yếu tố cơ bản, quan trọng góp phần thực hiện thành công BHXH, BHYT toàn dân./.
Thục Quyên