Xã hội
Tiếp tục chủ động thực hiện chính sách và có các cơ chế thân thiện với trẻ em
12:18 PM 30/03/2021
(LĐXH) - Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) công bố báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam năm 2020. Khảo sát có sự tham gia của 1.692 trẻ em từ 11 - 16 tuổi ở 7 tỉnh/thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam…
Mục tiêu của khảo sát nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em, từ đó, xem xét thực trạng thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ.
Học sinh trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Theo ý kiến nhiều chuyên gia thì: Đây là một trong những nghiên cứu được đánh giá rất cao, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện các chương trình hành động vì trẻ em. Trong đó quyền tham gia của trẻ em cần được bổ sung bằng các mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong cộng đồng, trong gia đình, trong nhà trường. Trong giai đoạn tới, chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các hoạt động dành cho các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ để bố mẹ cũng phải học hỏi, học cách lắng nghe, tôn trọng và đảm bảo quyền của con, em mình. Đặc biệt, qua khảo sát đã đưa ra 15 phát hiện nổi bật trong Báo cáo tiếng nói trẻ em Việt Nam năm 2020. Theo đó, cứ mỗi 2 trẻ em thì có 1 trẻ nói "chưa từng nghe nói đến" Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em (QTE). Cứ mỗi 7 trẻ em trong nhà trường và 3 trẻ em ngoài nhà trường thì có 1 trẻ "chưa từng nghe nói đến" khái niệm Quyền Trẻ em. Cụ thể, có 61,6% trẻ trong trường học nói rằng Công ước của LHQ về QTE không được nói đến ở trong trường học. Tỷ lệ trẻ trong nhà trường được nghe và thảo luận về QTE là 38%, chủ yếu là trẻ lớp 8 và lớp 10.
Ngoài ra, gần 10% trẻ em trong nhà trường nói rằng "trường học có tổ chức các hoạt động liên quan tới Công ước nhưng trẻ không tham gia". Trẻ em tiếp cận thông tin về Quyền Trẻ em chủ yếu thông qua mạng xã hội (61,3%); qua báo, đài, tivi (58,8%) và qua các tổ chức hỗ trợ trẻ em (26,1%). Tỷ lệ trẻ em tiếp cận thông tin về quyền trẻ em thông qua chính quyền địa phương rất thấp (11,6%). Cứ 10 trẻ em thì có 9 trẻ cho rằng mình không có hoặc có ít cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình với người có thẩm quyền ra quyết định. Trong khi đó, gần 90% trẻ em nói rằng việc người lớn lắng nghe tiếng nói trẻ em là rất quan trọng. Tại cuộc thảo luận nhóm trẻ em tại Tiền Giang, các em cho rằng, người lớn cũng có ý kiến sai, thế nên trẻ em có thể chia sẻ ý kiến với người lớn để người lớn có quyết định đúng hơn.
Tiếp đó, đa số trẻ em được bày tỏ ý kiến của mình ở nhà (74%) hoặc ở trường (59,7%), trẻ em chưa có nhiều cơ hội được tham gia ý kiến tại nơi trẻ sinh sống (7,6%) và với chính quyền địa phương (2,2%). Trong các vấn đề trẻ em muốn bày tỏ ý kiến, việc học tập và trường học là hai nội dung trẻ quan tâm nhất (61,3%), tiếp đến là quyền bình đẳng giới (44,3%), sự an toàn của trẻ tại không gian trẻ sinh sống, học tập (43,4%) và các hoạt động vui chơi cho trẻ em (43,2%). Cũng theo kết quả khảo sát, cứ 5 trẻ em thì có 3 trẻ cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet. 60% trẻ em tự học về kiến thức an toàn khi sử dụng Internet, 56% trẻ em được cha mẹ, người thân trong gia đình hướng dẫn và 53% trẻ em được thầy cô giáo dạy về an toàn Internet.
Đại diện học sinh trường THCS nêu ý kiến liên quan đến quyền trẻ em và cuộc sống trong tương lai 
Hơn một nửa số trẻ em được hỏi có suy nghĩ tích cực về tương lai. 57% trẻ em lo lắng về cơ hội có việc làm trong tương lai. Một em nam 16 tuổi ở Lào Cai cho biết: "Em muốn có một công việc phù hợp và ổn định." Cứ 8 trong số 10 trẻ em được hỏi cảm thấy lo lắng về biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường. Khảo sát cho thấy, cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ không thể đến trường và tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời vì biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường. 50% trẻ em nói rằng cuộc sống của các em trong tương lai sẽ khác với hiện tại do tác động của biến đổi khí hậu. 3 vấn đề ưu tiên mà trẻ em Việt Nam muốn hành động nhiều hơn để giải quyết và cải thiện là: Xâm hại trẻ em, bắt nạt qua mạng, trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em.
Vấn đề mất an toàn trên Internet đang được các bạn học sinh quan tâm, trẻ em đôi khi còn sử dụng Internet nhiều hơn người lớn, báo cáo đánh giá rất cao việc trẻ em đã quan tâm và lên tiếng trong Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam. Các em luôn học hỏi các kĩ năng để trở thành các công dân số có trách nhiệm, các em chính là người quyết định có tham gia vào việc bắt nạt trên mạng, gây ra các tổn thương đến các bạn hay không. Mong rằng các em hãy lên tiếng để bâu vệ chính bản thân và các bạn mình, cùng nhau xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Và cuối cùng, hãy luôn nhớ đến sự trợ giúp của cha mẹ, thầy cô, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội khi gặp rắc rối.
Thực sự thì không chỉ trong tương lai, hiện tại, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, trẻ em đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Trẻ em là các công dân số đóng góp cho môi trường mạng lành mạnh an toàn, là các đại sứ về môi trường, những người có trách nhiệm bảo vệ bản thân, bảo vệ bạn bè khỏi bạo lực, xâm hại, bắt nạt... những người truyền cảm hứng và tạo nên sự thay đổi. Quyền tham gia của trẻ em đã được khẳng định.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra 5 khuyến nghị hành động chính, cụ thể là:
- Các cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý tới các giải pháp thực hiện chính sách, có các cơ chế thân thiện với trẻ em để bảo đảm trẻ em được tham gia, được bày tỏ ý kiến, được lắng nghe và các ý kiến của trẻ cần được lưu ý trong tất cả các vấn đề có liên quan tới trẻ em.
- Chủ động ban hành các chính sách và hướng dẫn nhằm ngăn chặn tất cả các hành vi trừng phạt trẻ.
- Thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, gia đình và nhà trường trong việc bảo vệ Quyền Trẻ em.
- Tăng cường các hoạt động phổ biến Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em và Luật Trẻ em 2016, các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, Tổng đài 111cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ và cộng đồng. Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT cấp tỉnh, thành phố cần cải tiến chương trình giáo dục về Quyền Trẻ em và Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em trong hệ thống giáo dục.
- Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội cần đặc biệt lưu ý và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các nhóm trẻ dễ bị tổn thương để đảm bảo trẻ em có hiểu biết tốt hơn về quyền của mình và có khả năng tiếp cận các dịch vụ sẵn có và thân thiện với trẻ em./.
 L.M