Xã hội
Tiền Giang: Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng chống xâm hại trẻ em
11:11 AM 21/12/2019
(LĐXH) Tỉnh Tiền Giang thể hiện sự quyết tâm cao trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần tích cực trong việc vận động toàn xã hội quan tâm thực hiện quyền trẻ em , nhất là phòng ngừa xâm hại trẻ em. Các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đã được tỉnh huy động tốt nhằm nâng cao hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng tốt hơn.
Hiện nay, Tiền Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em gắn với xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em một cách hiệu quả. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang triển khai Mô hình "Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp trẻ em" thể hiện sự quyết tâm cao bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần tích cực trong việc vận động toàn xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là phòng ngừa xâm hại trẻ em.
Thực hiện Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang đã chọn 10 huyện, thành, thị, trong đó có 25 xã, phường, thị trấn để xây dựng và triển khai Mô hình "Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng" do Trung ương hỗ trợ. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, tỉnh trích ngân sách địa phương hỗ trợ, nhân rộng mô hình thêm 33 xã, phường, thị trấn, nâng tổng cộng có 58 xã, phường, thị trấn được triển khai mô hình.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phù hợp với điều kiện địa phương, phát huy tốt hiệu quả trong thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh gắn với việc "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Các hội, đoàn thể chính trị - xã hội phát động nhiều phong trào thiết thực như: "Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan", "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền"; "Câu lạc bộ vì tuổi thơ"; "Năm xã hội tình nguyện vì trẻ em đặc biệt khó khăn"; phong trào "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan",...
Các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em cũng được tỉnh huy động tốt nhằm nâng cao hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng tốt hơn. Trong 5 năm qua (2015 - 2019), tỉnh huy động trên 9,32 tỷ đồng cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó, Trung ương hỗ trợ trên 2,78 tỷ đồng, còn lại là kinh phí địa phương.
Trẻ em cần một môi trường sống an toàn, lành mạnh
(Ảnh minh họa)
Sắp tới, địa phương siết chặt các biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành hữu quan thực hiện quản lý Nhà nước về trẻ em theo thẩm quyền một cách hiệu quả, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra theo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020; tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm về xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Địa phương tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý Nhà nước các cấp trong công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em cũng như phân công, phân cấp rõ ràng, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ trẻ em, chú trọng các lĩnh vực y tế, giáo dục, pháp luật, thông tin - truyền thông... Mặt khác, có biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ nhân dân tự quản, xóm, ấp, khu phố an toàn về an ninh trật tự, thường xuyên phổ biến rộng rãi những phương thức, thủ đoạn tội phạm và các vụ việc để người dân nâng cao ý thức phòng ngừa, hướng dẫn quần chúng nhân dân, đặc biệt là trẻ em về những biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, mua bán trẻ em, kể cả thiết lập các đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.
Tiền Giang phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong phối hợp cùng làm tốt công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em; truyền thông phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em gắn với tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vui tươi, lành mạnh thu hút trẻ em và thanh, thiếu niên, góp phần xây dựng môi trường không tội phạm trong một xã hội phát triển bền vững, lành mạnh. Công tác truyền thông cũng được chú trọng nhằm mục đích giáo dục cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và những đối tượng liên quan nâng cao kỹ năng, kiến thức phòng, chống xâm hại, bảo vệ trẻ em; phối hợp giữa nhà trường và gia đình, xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Ngoài ra, làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tiếp nhận, xử lý những thông tin liên quan tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đồng thời yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật như: Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân... phối hợp thống nhất đưa ra xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống và đấu tranh với tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Đặc biệt là rà soát các quy định về giám định pháp y, giám định tư pháp để bảo đảm các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được điều tra nhanh chóng, thu thập kịp thời, đầy đủ bằng chứng... Qua đó, hoàn thiện các quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành để xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với mọi hành vi xâm hại trẻ em.
Tiền Giang hiện có trên 36.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo luật là 6.245 trẻ, chiếm 1,4% tổng số trẻ em; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác là 1.569 trẻ, chiếm 0,35% tổng số trẻ em và trẻ em diện hộ nghèo là 28.493 trẻ em, chiếm 6,6% tổng số trẻ em. Qua ghi nhận, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 201 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó bạo lực 10 trường hợp, xâm hại tình dục 181 trường hợp và các hình thức gây tổn hại khác là 10 trường hợp.
Theo đánh giá, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung. Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi như: Người quen, người lạ, người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè trong và ngoài nhà trường,... Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với cơ quan chức năng.
Minh Trí