Xã hội
Thừa Thiên Huế: Thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc
11:37 AM 07/12/2021
(LĐXH) - Với việc thực hiện thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt ở Thừa Thiên Huế thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thụ hưởng chính sách, được người dân tin tưởng, đánh giá cao.
Tuyên truyền để người dân, đối tượng bảo trợ xã hội nắm, hiểu về chính sách chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt
Thực hiện Công văn số 159/LĐTBXH-BTXH ngày 19/01/2021 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về việc chọn Thừa Thiên Huế là một trong ba địa phương để thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trong năm 2021, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã lựa chọn 02 địa phương là thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc để tham mưu triển khai. Trên cơ sở đó, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt tại hai địa phương thực hiện thí điểm. Tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 24/02/2021 của UBND tỉnh về triển khai thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền đến lãnh đạo UBND 02 địa phương, đại diện lãnh đạo Công an, lãnh đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, cán bộ phụ trách Lao động-Thương binh, 03 đơn vị cung ứng dịch vị là Viettel Pay, Vietin Bank chi nhánh Thừa Thiên Huế, Bưu điện tỉnh để nắm bắt tinh thần, nội dung Kế hoạch để phối hợp thực hiện.
Đồng thời phối hợp với UBND thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc tiếp tục tổ chức 02 Hội thảo cấp huyện về “Thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội” đến các ban, ngành cấp huyện có liên quan, lãnh đạo UBND cấp xã và cán bộ lao động-thương binh và xã hội về chủ trương triển khai thí điểm, quy trình và nội dung thí điểm, công tác phối hợp thực hiện trong triển khai thí điểm chi trả không dùng tiển mặt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân về nội dung chuyển đổi phương thức chi trả bằng tiền mặt sang phương thức chi trả không dùng tiển mặt, được thực hiện trên hệ thống Đài Phát thanh- Truyền hình cấp huyện, Đài Phát thanh cấp xã, thôn, tổ để người dân nắm được chủ trương và các tiện ích của phương thức chi trả không dùng tiển mặt mang lại. Ngoài ra, còn tuyên truyền dưới hình thức phát tờ rơi tuyên truyền về tiện ích của phương thức chi trả không dùng tiền mặt đến tay đối tượng, người được ủy quyền; truyền thông trực tiếp đến đối tượng, thân nhân đối tượng tại ngày hội đăng ký thu thập thông tin mở tài khoản. Kịp thời nắm bắt và thông báo, phản hồi về phương thức chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng liên quan.
Đối tượng bảo trợ xã hội đến các điểm Viettel nhận trợ cấp
Bám sát kế hoạch của UBND tỉnh và cấp huyện, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội một mặt phối hợp phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, cập nhật bổ sung CMND/CCCD, số điện thoại và tình hình biến động của đối tượng gửi Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cập nhật vào hệ thống MIS POSASoft. Mặt khác, phối hợp đơn vị cung ứng dịch vụ tổ chức buổi họp với cán bộ lao động-thương binh và xã hội cấp xã để thống nhất phương án, thời gian triển khai thu thập thông tin mở tài khoản cho đối tượng và người được ủy quyền.
Theo đó, kết quả công tác thu thập thông tin và mở tài khoản cho đối tượng: Tại địa bàn thị xã Hương Thủy, VietinBank chi nhánh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bưu điện tỉnh và UBND các xã/phường tiến hành thu thập thông tin mở tài khoản cho đối tượng từ tháng 3/2021- tháng 5/2021 đã mở được 2.254 hồ sơ cho đối tượng, người được ủy quyền và thực hiện chi trả qua tài khoản vào tháng 6 năm 2021. Đến tháng 10/2021, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 2.053/4.716 đối tượng qua tài khoản với số tiền hơn 791 triệu đồng, chiếm 43,5% tổng số đối tượng trên địa bàn. Số đối tượng còn lại được VietinBank chi nhánh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bưu điện tỉnh và các xã, phường tiếp tục rà soát để mở tài khoản cho đối tượng, người ủy quyền đủ điều kiện.
Tại địa bàn huyện Phú Lộc, Viettel đã phối hợp với 17 xã, thị trấn thu thập thông tin, ghi hồ sơ đăng ký mở tài khoảnViettelPay từ ngày 11/3/2021 đến ngày 20/4/2021 hoàn thành việc thu thập thông tin và mở tài khoản cho 7.951/7.951 đối tượng và đảm bảo 100% đối tượng được chi trả cho đối tượng theo phương thức khong dùng tiền mặt từ tháng 4/2021. Tính đến tháng 9/2021, có 8.364 đối tượng được chi trả bằng phương thức điện tử, với kinh phí hơn 3.043 triệu đồng, tỷ lệ 100%.
Theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH tỉnh Thừa Thiên Huế, việc triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt tại huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thủy là phương thức chi trả có nhiều ưu việt, tạo sự thuận tiện, nhanh gọn cho đối tượng, tránh tập trung đông người cũng như không mất nhiều nhân lực, thời gian để thực hiện việc chi trả, thuận lợi trong công tác thanh quyết toán kinh phí, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19... được chính quyền, người dân và đối tượng hưởng ứng tích cực.
Thêm vào đó, công tác triển khai có sự tham gia đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể cấp xã, thôn/tổ dân phố, sự phối hợp tốt của cơ quan cung ứng dịch vụ và sự hưởng ứng tích cực của đối tượng, người dân nên việc triển khai thực hiện có nhiều thuận lợi.
Song bên cạnh đó cũng có một số khó khăn, tồn tại như: Đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội chủ yếu là trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên nên số đối tượng đủ điều kiện nhận trực tiếp rất thấp mà chủ yếu thông qua người ủy quyền. Tại thị xã Hương Thủy, đối tượng ủy quyền chiếm 70%, ở huyện Phú Lộc chiếm 68%. Đối tượng là người cao tuổi trên 80 tuổi do sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nên sẽ thực hiện ủy quyền hoặc nhận trực tiếp tại nhà. Tuy nhiên nhiều người cao tuổi vẫn muốn tự nhận, không ủy quyền cho người nhà nhưng lại không có số điện thoại nên không thể mở được tài khoản và phải thực hiện phương thức chi trả bằng tiền mặt. Vẫn còn sai sót trong quá trình thu thập thông tin mở tài khoản ngân hàng (số chứng minh nhân dân, số điện thoại…) đang thực hiện điều chỉnh. Số hồ sơ mở tài khoản tại thị xã Hương Thủy chưa đủ điều kiện cần phối hợp với các xã phường để hoàn thiện lại thông tin còn nhiều.
 Hiện nay, Viettel Pay có 04 phương án chi trả gồm rút tiền tại các cây ATM, tại các quầy giao dịch của Viettel, tại các đại lý ủy quyền của Viettel, các điểm đại lý nhỏ tại xã, phường. Tuy nhiên các điểm đại lý nhỏ tại xã, phường chưa đảm bảo việc rút tiền theo quy định như không gian nhỏ hẹp, vị trí tiếp dân không thuận lợi...). Việc kết nối hệ thống chi trả giữa bưu điện và ngân hàng vẫn bị lỗi như hệ thống không báo mã OTP dù đã gửi yêu cầu, tài khoản báo có tiền nhưng không rút được…khiến việc chi tiền cho đối tượng bị chậm trễ. Cán bộ Bưu điện chưa được đào tạo về sử dụng thành thạo hệ thống chi trả qua tài khoản.
Cũng theo Sở Lao động – TBXH tỉnh Thừa Thiên Huế, để thực hiện thành công việc chuyển đổi phương thức chi trả bằng tiền mặt sang phương thức chi trả không dùng tiền mặt phải có sự quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể cấp xã trong quá trình triển khai thực hiện mới mang lại hiệu quả cao. Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông đến đối tượng tham gia kế hoạch chi trả. Kịp thời thống kê, rà soát và nắm bắt biến động đối tượng tăng, đối tượng giảm trong quá trình chi trả. Trong quá trình thực hiện, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị cung ứng dịch vụ thường xuyên rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai tại xã như thay đổi phương thức thu thập thông tin, chi trả tiển mặt tại một xã để rút kinh nghiệm triển khai phổ biến toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Thành lập Zalo nhóm cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã/phường với nhân viên thu thập thông tin của đơn vị cung ứng dịch vụ và cán bộ hỗ trợ từ các phòng chuyên môn cấp tỉnh, huyện để thường xuyên trao đổi, xử lý thông tin trong quá trình thực hiện.

Hồng Phượng