Lao động
Thừa Thiên Huế: Phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2017
12:49 PM 14/05/2017
(LĐXH) – Ngày 13/5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ phát động tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) lần thứ I năm 2017.
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) lần thứ I năm nay có chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện AT-VSLĐ, để phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Tham gia buổi lễ phát động có sự tham gia của đông đảo cán bộ, công nhân viên chức trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2016, công tác AT-VSLĐ của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước chuyển biến đáng kể, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã quan tâm đúng mức về việc cải thiện điều kiện lao động như chú ý việc tổ chức lao động, sắp xếp thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lý. Nhiều, đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện và áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào thực tế sản xuất nhằm giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Đồng chí Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi lễ
Tuy nhiên, năm 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 40 vụ tai nạn lao động, trong đó, có 07 vụ làm 07 người chết (so với năm 2015, giảm 04 vụ nhưng tăng 03 người chết); 104 vụ cháy (tăng 72 vụ so năm 2015), không có thiệt hại về người, tài sản thiệt hại trên 13 tỷ đồng. Qua tổng hợp và phân tích về tai nạn lao động thì nguyên nhân chính do người lao động không được huấn luyện, hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc AT-VSLĐ và phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền và nắm bắt tình hình các cơ sở và doanh nghiệp của các ngành chức năng chưa kịp thời dẫn đến việc quản lý, giám sát thực hiện điều kiện lao động, vệ sinh an toàn lao động, an toàn cháy nổ và các chính sách của người lao động trong một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đảm bảo.
Từ thực tế đó, mục tiêu của chương trình AT-VSLĐ được tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra trong năm 2017 là giảm 5% tần suất tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người; tăng 5% số cơ sở, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; 80% người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiệm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về AT-VSLĐ...
Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Nguyễn Dung, Tỉnh ủy viên, phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những nổ lực cố gắng trong thời gian qua của các sở, ban, ngành, đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh triển khai thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Từ đó, hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động, bảo vệ tài sản Nhà nước và của nhân dân, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ ra một số nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở, doanh nghiệp là nhận thức về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế; một số cơ sở, doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, ít đầu tư cải thiện điều kiện lao động dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và ô nhiễm môi trường lao động.
Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 1 năm 2017
Nhân Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động, đồng chí yêu cầu các ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung làm tốt một số việc: đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; chú trọng việc tuyên truyền gắn với hướng dẫn và huấn luyện các kỹ năng làm việc an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho người lao động; các ngành chức năng cần xử lý nghiêm, kịp thời và công khai thông tin đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.
Tại Lễ phát động, đồng chí Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó chủ tịch thường trực Hội động an toàn, vệ sinh lao động tỉnh đã xác định mục tiêu của chương trình an toàn, vệ sinh lao động năm 2017 là thường xuyên chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động không ngừng nâng cao sức khỏe, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ; nâng cao nhận thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, các cấp, các ngành góp phần xây dựng và phát triển văn hoá an toàn trong lao động, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững. Mục tiêu cụ thể là giảm 5 % tần suất tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chết người. Chú trọng cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn và sức khoẻ cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Đảm bảo 90% cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác an toàn - vệ sinh lao động và 80% người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn - vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn – vệ sinh, lao động.

H.Giang