Xã hội
Thừa Thiên Huế: Phấn đấu 100% người khuyết tật nặng được hưởng các chính sách theo quy định
10:23 AM 26/06/2017
(LĐXH) - Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có gần 30 nghìn người khuyết tật chưa kể thương binh, bệnh binh.

Trong thời gian qua, tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư và toàn xã hội quan tâm, trợ giúp người khuyết tật; xây dựng các công trình, dịch vụ công cộng giúp đỡ người khuyết tật; gỡ bỏ những rào cản để xây dựng một xã hội hòa nhập và tiếp cận cho tất cả mọi người; Tạo môi trường thuận lợi để người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội, vươn lên trong cuộc sống.

Trao xe lăn cho người khuyết tật

Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế còn huy động, vận động các nguồn lực để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của kế hoạch như: huy động ngân sách Nhà nước, vận động các tổ chức kinh tế, xã hội, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân trong và ngoài nước; Hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập tổ chức "Tự lực" của người tàn tật và những hiệp hội phụ huynh và gia đình NKT; Trợ giúp phụ nữ tàn tật; Phát hiện, can thiệp sớm và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; lồng ghép hoạt động trợ giúp NKT vào các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức 12 lớp tập huấn  về công tác khảo sát và phổ biển một số văn bản, chính sách mới về người khuyết tật cho 899 học viên là cán bộ địa phương, tổ/thôn trưởng, thân nhân người khuyết tật cùng với 50 học viên của các cơ sở bảo trợ xã hội;  Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chủ chốt của Hội NKT các cấp trên địa bàn tỉnh về kỹ năng lãnh đạo và gây quỹ; giám sát, đánh giá; Tập huấn về quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở, công trình công cộng đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật…

Bằng nhiều hoạt động cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe cho NKT, với mục tiêu giúp NKT được thụ hưởng đầy đủ các chính sách, dịch vụ chăm sóc, cải thiện sức khỏe, đủ khả năng lao động nuôi sống bản thân và gia đình và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Công tác xác định mức độ khuyết tật đã được triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo cho NKT được thực hiện đầy đủ quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Lễ trao dụng cụ phục hồi chức nắng cho NKT tỉnh Thừa Thiên Huế

Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch số 136/KH-UBND tỉnh năm 2016 về thực hiện công ước của LHQ về quyền của NKT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 99 /KH-UBND về giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2017. Mục tiêu chính của Kế hoạch là nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhân thức của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư và toàn xã hội quan tâm, trợ giúp NKT; tạo môi trường thuận lợi để họ được tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội, vươn lên trong cuộc sống; tạo điều kiện cho NKT có điều kiện tiếp cận các chính sách trợ giúp các dịch vụ xã hội nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu100% người khuyết tật có nhu cầu cần xác định mức độ khuyết tật được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã đánh giá và cấp giấy xác nhận chứng nhận khuyết tật; 90% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau như: được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp các dịch vụ trợ giúp phù hợp; 100% học sinh, sinh viên bị khuyết tật thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo được hưởng các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng và phương tiện học tập theo quy định; Ít nhất 70% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật...

Để hoàn thành các mục tiêu trên, trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng dân cư và toàn thể xã hội về vấn đề khuyết tật và NKT; phát  hiện và can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT; thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho NKT; chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng NKT tại các cơ sở BTXH. Cùng với đó là nâng cao kỹ năng chăm sóc, trợ giúp, phục hồi cho NKT; khuyến khích các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận cũng như sử dụng từ 30% lao động trở lên là NKT để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ triển khai giáo dục hòa nhập phù hợp với khả năng nhận biết của NKT; bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục trẻ khuyết tật. Thực hiện tốt các chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng, cung ứng tài liệu học tập. Xây dựng các giáo trình  về thiết kế công trình xây dựng nhằm đảm bảo sự tiếp cận cho NKT; Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để họ được tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo chỗ ngồi, bố trí ưu tiên cho người NKT được sử dụng các dịch vụ vận tải; đạo tạo về công nghệ thông tin; trợ giúp pháp lý thông qua các hoạt động thích hợp góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cũng như ý thức tông trọng và chấp hành pháp luật của NKT.

Hà Giang