Xã hội
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà gặp mặt Đoàn đại biểu người có công tỉnh Nghệ An và Đắk Lắk
04:55 PM 07/06/2022
“Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cấp chính quyền và Nhân dân, công tác chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và tỉnh Đắk Lắk đã được triển khai đồng bộ, toàn diện với nhiều kết quả nổi bật”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu người có công tỉnh Nghệ An và Đắk Lắk tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), diễn ra ngày 07/6.

Theo Thứ trưởng, ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng. Đây là chính sách đặc thù gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc tập, tự do của Tổ quốc.

f1db3cec061ac6449f0b.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà gặp mặt Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An và Đắk Lắk 
Chia sẻ với Đoàn đại biểu những kết quả nổi bật trong việc xây dựng, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong năm 2021, Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã thể chế hóa nhiều nội dung mới được quy định trong Pháp lệnh năm 2020 và Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các cơ sở nuôi dưỡng điều dưỡng người có công với cách mạng. Cụ thể, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của quy hoạch này được lập nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
IMG-9453.JPG
Quang cảnh buổi gặp mặt
Về công tác quản lý mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Hàng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
Đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, ngày 14/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1515/QĐ-TTg ban hành kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó, đến năm 2030: Tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN được khoảng 20.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; Phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2022), được sự đồng ý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với các hoạt động thường niên như tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà người có công và gia đình liệt sĩ; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ; năm 2022 Bộ sẽ tổ chức một số hoạt động trọng tâm như: Tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và Gặp mặt 450 đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ toàn quốc năm 2022 tại thành phố Hà Nội; Chương trình cầu truyền hình trực tiếp tại 5 điểm cầu: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Giang, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Bình Định; Lễ phát động, vận động xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương tại Hà Nội; Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình liệt sĩ tại tỉnh Nghệ An.
IMG-1439.JPG
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu người có công tỉnh Nghệ An
IMG-1429.JPG
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu người có công tỉnh Đắk Lắk
Tới dự buổi gặp mặt hôm nay, tỉnh Nghệ An đã tôn vinh và lựa chọn 32 đại biểu; tỉnh Đắk Lắk đã tôn vinh và lựa chọn 24 đại biểu là Người có công tiêu biểu đại diện cho Người có công 02 tỉnh.
Các đại biểu Người có công tiêu biểu của 02 tỉnh cho biết, tham dự buổi gặp mặt hôm nay là niềm vinh dự, động viên, khích lệ to lớn đối với người có công với cách mạng để từ đó tiếp tục lan tỏa hơn nữa tinh thần vượt khó vươn lên cho các đồng đội, đồng chí trên toàn tỉnh và cho nhân dân cả nước. Đại diện đoàn đại biểu Người có công của 02 tỉnh đã chia sẻ những tâm tư tình cảm, đồng thời mong muốn Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình người có công với cách mạng.
“Hôm nay, Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Nghệ An và tỉnh Đắk Lắk tổ chức Đoàn thăm thủ đô Hà Nội, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm một số cơ quan Trung ương và một số tỉnh phía Bắc và đến thăm Bộ là cơ hội để Bộ LĐTBXH nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Đoàn.” Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ.
Thứ trưởng khẳng định, kết quả trao đổi của Đoàn hôm nay là thông tin và thực tiễn quan trọng để Bộ LĐTBXH tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong thời gian tới. Thứ trưởng mong muốn đại biểu người có công tiêu biểu của 02 tỉnh có mặt hôm nay tiếp tục nỗ lực phấn đấu, là tấm gương quý để giáo dục thế hệ trẻ.
Công tác chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và tỉnh Đắk Lắk thời gian qua:
+ Tại tỉnh Nghệ An: Đã xác nhận, công nhận trên 124.270 người có công, trong đó trên 45.000 liệt sĩ, trên 5.000 cán bộ lão thành cách mạng, trên 2.700 Bà mẹ Việt Nam anh hùng,…. Toàn tỉnh có trên 68.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng với kinh phí trên 136 tỷ đồng. Tỉnh còn ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công, tổ chức tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa,…
+ Tại tỉnh Đắk Lắk: Đã xác nhận, công nhận trên 47.000 người có công với cách mạng. Công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định. Hiện tỉnh có 39 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ tạo mọi điều kiện để người có công được thụ hưởng chính sách, ổn định cuộc sống về vật chất và tinh thần.


PV