Xã hội
Tham vấn xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến 2030”
01:53 PM 01/03/2018
(LĐXH) - Trong 2 ngày 1-2/3, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) phối hợp với Tổ chức UNICEF tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến 2030”. Đây là Hội thảo quan trọng nhằm hoàn thiện Khung chiến lược đổi mới chính sách và đề cương sơ bộ của Kế hoạch hành động thực hiện Đề án.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ. Về phía các nhà nghiên cứu, có giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu; lãnh đạo các Sở Lao động –TBXH, Phòng Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội các tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Giang, Bắc Giang, Thái Nguyên…
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh: Việt Nam là một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh và bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu nên số đối tượng cần trợ giúp xã hội lớn. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới công tác đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực trợ giúp xã hội. Ngày 14/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án tập trung vào ba hợp phần cơ bản là chính sách trợ cấp xã hội (trong đó đã tích hợp các chính sách trợ cấp tiền mặt hợp lý khác, đề xuất bỏ chính sách trợ cấp tiền mặt chưa hợp lý); trợ giúp khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp xã hội (bao gồm cả cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, dịch vụ công tác xã hội ở cộng đồng và cơ sở trợ giúp xã hội).
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Tuy nhiên, tính đến ngày 30/12/2017, trên cả nước mới chỉ có 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án, còn lại 26/63 vẫn chưa ban hành kế hoạch thực hiện. Mặt khác, Đề án số 488 là đề án khung với mục tiêu dài hạn, tầm nhìn chiến lược với những sáng kiến đổi mới trong cả ba lĩnh vực TGXH thường xuyên, đột xuất và chăm sóc xã hội, cần sự tham gia của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương, phạm vi đối tượng chịu tác động lớn, trong đó bao gồm nhiều nhóm dân cư, kể cả trẻ em ở các độ tuổi khác nhau. Chính vì vậy, để thật sự khả thi trong lộ trình đổi mới chính sách, huy động nguồn lực, huy động sự tham gia của các ngành, các cấp và các cơ quan thì cần có một bản Kế hoạch hành động thực hiện tổng thể, với một lộ trình cụ thể, xác định từng hoạt động công việc cần làm, bao gồm: sự cần thiết, mục tiêu, chỉ tiêu, hoạt động cụ thể, trách nhiệm thực hiện, phối hợp, nguồn lực, thời gian...  Việc xây dựng một Kế hoạch chiến lược đổi mới đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới.
Được sự hỗ trợ của UNICEF, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp với chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng Khung Kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới và phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Để hoàn thiện Khung kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội đề nghị các đại biểu, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, có những trao đổi, tương tác để làm rõ những vấn đề cần thiết để thực hiện Đề án tại Việt Nam.
Đại diện tổ chức UNICEF phát biểu tại Hội thảo
Theo PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (IPPM)- Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện nhóm nghiên cứu, Quyết định 488 là một bước ngoặt lớn, đòi hỏi phải có kế hoạch hành động trong từng năm và cả từng giai đoạn. Đề án đặt ra những khung chung để thực hiện nhưng trên thực tế không phải làm được ngay mà cần phải liệt kê các vấn đề như: Mục tiêu, thời gian thực hiện, các hoạt động ưu tiên, trách nhiệm của các bên liên quan, nhu cầu về bằng chứng và nghiên cứu cũng như nguồn nhân lực và ngân sách. Các chính sách TGXH hiện hành đang thực hiện và mục tiêu trong Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn 2030” vẫn còn một số khoảng trống chính sách, cần phải sửa đổi bổ sung để thống nhất thực thi.

PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (IPPM) giới thiệu về nghiên cứu

Quyết định số 488/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được ban hành với quan điểm bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, nguồn lực đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quan trọng. Đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư phát triển. Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia trợ giúp xã hội, đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, TGXH phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước, xu hướng quốc tế và từng bước tiếp cận với mức sống tối thiểu trong từng thời kỳ; ưu tiên người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo, người sống ở vùng núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
Đề án đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2017 – 2020, có 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thờ, mở rộng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội. 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu là 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; có chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp xã hội. 70% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 30% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.
Tầm nhìn đến năm 2030, có 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của Nhà nước, trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội; mức trợ cấp xã hội điều chỉnh phù hợp với khả năng ngân sách và xu hướng quốc tế. 90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 50% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.
Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi giải đáp những ý kiến của đại biểu
Theo TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, để thực hiện Đề án, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách trợ cấp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng theo mục tiêu của Đề án; nghiên cứu, xây dựng mức chuẩn trợ cấp xã hội và các hệ số trợ cấp xã hội dựa trên nhu cầu tối thiểu của con người, theo vòng đời và bảo đảm hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế và lộ trình đề án. Từng bước tích hợp các chính sách trợ cấp xã hội để ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, quản lý nhà nước; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các dự án Luật: Trợ giúp xã hội, An sinh xã hội, Nghề Công tác xã hội.
Hồng Phượng