Xã hội
Thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu: Nguy cơ trẻ em đối mặt với lao động sớm
09:42 AM 14/06/2017
LĐXH - Tại Việt Nam, theo Báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Tổng cục Thống kê thực hiện, có 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em.

Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em 2017 "Trong các cuộc xung đột và thiên tai, bảo vệ trẻ em khỏi lao động trẻ em"

Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ILO 138 về độ tuổi tối thiểu và Công ước ILO 182 về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Theo ước tính của ILO, có khoảng 168 triệu lao động trẻ em. Việc trẻ em phải lao động sớm được chứng minh rằng đã và đang để lại hậu quả nặng nề: ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai. Việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý; cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Bộ Lao động - Thương  binh và Xã hội phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Tổng cục Thống kê thực hiện, có 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua  ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Bộ Luật lao động đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ làm việc và điều kiện làm việc, quy định về lao động đối với người chưa thành niên. Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 tiếp tục có các quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020.

 Theo báo cáo của ILO, mỗi năm có gần 70 triệu trẻ em trên thế giới bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ thiên tai, trong đó một đáng kể trẻ em tham gia lao động sống trong các khu vực chịu ảnh hưởng bởi xung đột và thiên tai. Chủ đề của ngày thế giới phòng chống Lao động trẻ em năm 2017 với khẩu hiệu “Trong các cuộc xung đột và thiên tai, bảo vệ trẻ em khỏi lao động trẻ em”. Đối với Việt Nam, đất nước nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, thường xuyên phải đối mặt với các loại thiên tai gây ra tác động trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe và tâm lý của trẻ em. Do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, trẻ em phải đối mặt với 4 nguy cơ dẫn đến phải lao động sớm. Do ảnh hưởng của thiên tai, nhiều gia đình phải di dời đến nơi khác an toàn để làm ăn và trẻ em có nguy cơ mất cơ hội tiếp tục học hành; Nhiều trẻ di cư có nguy cơ bị bạo hành; do hoàn cảnh gia đình buộc trẻ em có nguy cơ lao động sớm.

Đại diện các ban ngành thảo luận về giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em trong thảm họa thiên nhiên

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phòng ngừa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, đã ban hành các quy định luật pháp, chính sách, chiến lược về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, chiến lược quốc gia, kế hoạch hành đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu, các chính sách hỗ trợ trẻ em và gia đình trong tình trạng khẩn cấp do thiên tai; bên cạnh đó sự tham gia của cộng đồng trong việc kịp thời ủng hộ hỗ trợ trẻ em người dân tại vùng thiên tai. Đặc biệt đối với việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em trong thiên tai đòi hỏi một sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội.

Đăng Doanh