Xã hội
Thái Nguyên phấn đấu giảm 3.339 hộ nghèo trong năm 2022
11:54 AM 02/10/2022
(LĐXH)- Ngày 30/9, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành kế hoạch số 145/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu giảm 3.339 hộ nghèo và 2.025 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.
Có thể nói, thời gian qua, nhờ sự chủ động, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các mục tiêu về giảm nghèo bền vững của tỉnh cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, qua đó đã góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội.
Trong năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo (từ 2,82% giảm còn 2,16% cuối năm 2021, giảm 0,66% so với năm 2020, vượt 0,21% (chỉ tiêu là 0,45%); hoàn thành kế hoạch 100% số hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng được nâng cao mức sống, cơ bản thoát nghèo…
Theo Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh Thái Nguyên về phê duyệt rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 và phát sinh mới năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh, tổng số hộ nghèo năm 2021 của Thái Nguyên là 20.457 hộ nghèo, chiếm 6,10% và 16.126 hộ cận nghèo, chiếm 4,81%; số hộ nghèo phát sinh trong 5 tháng đầu năm 2022 là 138 hộ (chiếm 0,04%), hộ cận nghèo 77 hộ (chiếm 0,02%); tổng số hộ nghèo tính đến ngày 31/5/2022 là 20.595 hộ (chiếm 6,14%), hộ cận nghèo là 16.203 hộ (chiếm 4,83%).

Hộ nghèo nhận bò nuôi sinh sản từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên)

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể ở Thái Nguyên đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra. Từ đó, chú trọng tập trung phát triển sản xuất, ngành nghề, chuyển giao khoa học, công nghệ, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn, xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không ngừng được cải thiện, nâng cao; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo đã tạo nền tảng, nguồn lực vững chắc cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, ngày 30/9, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành kế hoạch số 145/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh phấn đấu giảm 5.364 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó hộ nghèo là 3.339 hộ nghèo và 2.025 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 15 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Thái Nguyên phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Đối với chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, Thái Nguyên đề ra mục tiêu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi từ 90% trở lên. Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc xã có tỷ lệ nghèo đa chiều cao, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 62%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25,8%.
Trong năm 2022, tỉnh phấn đấu hỗ trợ nhà ở cho ít nhất 500 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở từ nguồn của Ủy ban MTTQ các cấp, nguồn lực xã hội hóa kết hợp với cho vay ưu đãi để các hộ tự cải tạo, sửa chữa nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Ít nhất 88,75% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 57% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Ít nhất 74% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; ít nhất 85% các hộ gia đình sinh sống địa bàn xã khó khăn được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đề ra 7 giải pháp chính, trong đó tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái nhất là đối với người nghèo…
Chí Tâm