Xã hội
Thái Nguyên: Đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào người Mông ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn
02:53 PM 25/11/2021
(LĐXH) - Để ổn định đời sống cho đồng bào người Mông, trong những năm qua, nhiều chương trình, dự án, hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Thái Nguyên đã được thực hiện, như: Chương trình 135, Chương trình 102, Đề án 2037 nhằm hỗ trợ 26 xóm/bản đặc biệt khó khăn có nhiều dân tộc Mông sinh sống…
Tỉnh Thái Nguyên có trên 1.520 hộ đồng bào dân tộc Mông với gần 8.000 người sinh sống tập trung chủ yếu tại 26 xóm, bản đặc biệt khó khăn thuộc các huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương và Định Hóa. Người Mông sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình phức tạp, đất dốc dễ bị rửa trôi, bạc màu. Hoạt động kinh tế chủ đạo của đồng bào là trồng trọt ngô, lúa với năng suất thấp. Ngoài ra, có hộ gia đình chăn nuôi thêm gà, vịt, lợn, trâu… với số lượng nhỏ bằng cách thả rông. Do cư trú ở địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, dân cư sinh sống phân tán, mặt bằng dân trí còn thấp nên đời sống của người Mông còn nhiều khó khăn.
Để phát triển đời sống, kinh tế cho đồng bào, trong những năm qua, nhiều chương trình, dự án, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên đã được thực hiện. Trong đó, nổi bật nhất là các chương trình, dự án như: Chương trình 135, Chương trình 102... Ngoài các chương trình, dự án, chính sách chung của nhà nước, ngày 16/9/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2077/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế- xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 2037) nhằm hỗ trợ 26 xóm/bản đặc biệt khó khăn có nhều dân tộc Mông sinh sống.

Bà con người Mông ở khu Lân Chiêu, xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) tích cực đưa các giống ngô mới vào trồng để nâng cao năng suất, sản lượng

Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đồng bào về đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong công tác dân tộc, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền toàn tỉnh đã quan tâm tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục sát thực, chủ động, kịp thời và có hiệu quả như: Tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hội thi, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc hằng năm cho cán bộ làm công tác dân tộc đặc biệt là đội ngũ bí thư, trưởng xóm, người có uy tín, trưởng ban công tác mặt trận xóm tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị, lớp tập huấn… Đặc biệt, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng chương trình phát sóng tiếng Mông được duy trì đều đặn 3 số/tuần… thu hút đông đảo đồng bào nghe, xem. Tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền pháp luật cho gần 2.000 tín đồ Tin lành người Mông; 05 hội nghị tuyên truyền, vận động quần chúng xóa bỏ tà đạo Dương Văn Mình cho 500 hộ người Mông tham dự tại các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương.
Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Mông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận và mối quan hệ mật thiết giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với đồng bào; giúp đồng bào nâng cao kiến thức để phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước đồng thời củng cố và tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, đoàn kết dân tộc, chống âm mưu diễn biến hòa bình và những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch.
Đồng bào cũng được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các kiến thức khoa học kĩ thuật áp dụng vào sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi xóm/bản. Người Mông được cán bộ khuyến nông cung cấp giống, hướng dẫn trồng ngô lai và các loại cây có giá trị kinh tế như cây chè, cây dong giềng, cây bưởi, cây cam; hỗ trợ kinh phí để đồng bào nuôi trâu bò sinh sản. Một số ít hộ gia đình mở hiệu tạp hóa buôn bán nhỏ.
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên cũng quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xóm/bản người Mông. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 15 tuyến đường vào các xóm/bản đặc biệt khó khăn; xây dựng 15 điểm trường mầm non, tiểu học; 3 nhà văn hóa cộng đồng; 11 công trình điện lưới quốc gia và 2 công trình nước sinh hoạt tập trung. Cho đến năm 2019, 26/26 xóm/bản đã có điện lưới quốc gia, 96% hộ dân có điện lưới phục vụ sinh hoạt, 87% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Đồng bào người Mông tích cực sản xuất chè an toàn
Cùng với các chính sách về kinh tế, tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ về giáo dục, xã hội, văn hóa với vùng đồng bào dân tộc Mông. Tại các xóm/bản xa trung tâm xã, Tỉnh xây dựng các điểm trường mầm non, tiểu học; thực hiện chế độ ưu tiên tuyển sinh con em sinh sống tại 26 xóm/bản được học các trường dân tộc nội trú, bán trú của tỉnh. Các xóm/bản có nhân viên y tế. Hàng năm, Sở Y tế Thái Nguyên tổ chức các đoàn tình nguyện đến các xóm/bản khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Các hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Mông cũng được tỉnh Thái Nguyên chú trọng. Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số giảm mạnh, từ 19,2% năm 2016 xuống còn 5,51% như hiện nay; tất cả các xóm đều được dùng điện lưới quốc gia; hơn 90% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; xóa tất cả các phòng học tạm; 74 xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, không có xã nào dưới mười tiêu chí.
Có thể nói, các chính sách, chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho người Mông phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống./.
Nguyễn Hiền