Lao động
Thái Bình thực hiện nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
07:03 PM 07/02/2023
(LĐXH)-Tăng cường các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là mục tiêu được Thái Bình đặt ra trong tác lao động, việc làm năm 2023.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, năm 2022, tỉnh đã tạo việc làm mới cho 34.500 lao động, trong đó tạo việc làm tại địa phương là 24.980 người, lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 6.500 người, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 3.020 người.
Kết thúc năm 2022, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội của Thái Bình giảm còn  27% (đạt chỉ tiêu); Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 30% (vượt chỉ tiêu - chỉ tiêu giao là 28%); Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp 25,5% (đạt chỉ tiêu).
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh có 277.027 người tham gia BHXH (trong đó 225.644 người tham gia BHXH bắt buộc, 51.383 người tham gia BHXH tự nguyện); 214.640 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 224.649 người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN).
Năm 2022, tỉnh Thái Bình đã tạo việc làm mới cho 34.500 lao động
Đặc biệt, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, năm 2022, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, địa phương tham mưu cho tỉnh thực hiện hỗ trợ đối với 220.961 người (lao động và người dân) của 3.294 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 93 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ). Phối hợp thực hiện hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động của 2.628 đơn vị (tương ứng khoảng 166.997 lao động) với số tiền trên 87,2 tỷ đồng; hỗ trợ bằng tiền mặt cho 186.462 người lao động với số tiền trên 442 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ). Thực hiện hỗ trợ trợ tiền thuê nhà cho 1.283 người lao động của 79 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với số tiền trên 1,8 tỷ đồng (theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Việc chi trả các chính sách hỗ trợ được thực hiện theo đúng quy định, công khai, minh bạch, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá, trong năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Chương trình làm việc của Tỉnh ủy, Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh; đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu của ngành được giao trong Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tình hình việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp cơ bản ổn định, công tác ATVSLĐ và phòng, chống dịch được tăng cường, điều kiện lao động từng bước được cải thiện; nhận thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động về việc làm, an toàn và phòng, chống dịch có chuyển biến tích cực. Các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, Thái Bình phấn đấu tạo việc làm mới cho 34.500 lao động trở lên (trong đó lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 3.000 lao động); giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 25,5%; đạt tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội là 35% và tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 28,5%.
Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Bình sẽ nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng văn bản pháp luật các lĩnh vực của ngành đảm bảo tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội.
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động của tỉnh đến năm 2030.
Tham mưu ký kết các thỏa thuận mới và đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động. Mở rộng, hợp tác thị trường lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật; đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các loại hình (hợp đồng lao động, hợp đồng cá nhân, hợp đồng thời vụ, phái cử, thực tập nâng cao kỹ năng).
Trong thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Thái Bình sẽ ưu tiên lao động thuộc các huyện nghèo, xã nghèo, lao động thuộc diện hộ nghèo.
Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh thông tin, truyền thông về hoạt động lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện các biện pháp và tuyên truyền giảm số lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Quản lý hiệu quả, chặt chẽ công tác đưa lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tăng cường hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, nhất là nhóm lao động đặc thù (lao động thuộc hộ bị thu hồi đất, hộ gia đình chính sách, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…).
Để giải quyết việc làm hiệu quả, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin thị trường lao động (cung - cầu lao động), thực hiện linh hoạt các hình thức kết nối lao động - việc làm, tạo cầu nối về thông tin thị trường lao động giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động. Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến lao động trên thị trường.
Đồng thời, Sở tổ chức đánh giá việc gắn kết giữa đào tạo nghề nghiệp và tình hình sử dụng lao động; mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đối với người lao động; cung cấp thông tin làm cơ sở phục vụ dự báo ngắn hạn về nhu cầu sử dụng lao động. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống cơ sở cung ứng dịch vụ việc làm; nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch, hội chợ việc làm./.
Mỹ Hạnh