Xã hội
Tạo không gian lành mạnh cho trẻ trên môi trường mạng
08:38 AM 09/06/2022
(LĐXH) - , Theo số liệu thống kê từ Digital Việt Nam, tính đến tháng 1/2022 có 76,95 triệu tài khoản mạng xã hội và 72,10 triệu người dùng internet (chiếm 73,2% dân số). Dịch bệnh Covid-19 vừa qua là lý do ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh, thiếu niên sử dụng internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm bắt nạt trên mạng, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.
Mạng xã hội vẫn còn tồn tại tiềm ẩn những nội dung hình ảnh không phù hợp với trẻ em  
Với phát triển vượt bậc của mạng lưới internet và các thiết bị thông minh ngày càng được phổ cập tới nhiều đối tượng tiếp cận với mạng xã hội, trong đó đặc biệt có trẻ em. Tuy có mặt tích cực, nhưng mạng xã hội còn có những mặt trái có thể ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ sau này.
Sự tiện ích của công nghệ và mạng internet đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt của nhiều người, trong đó có những tác động to lớn đối với trẻ em. Hiện nay, trẻ em được tiếp xúc với mạng internet từ khi đi học mẫu giáo, thông qua các thiết bị điện tử thông minh, song môi trường trên mạng cũng mang lại tiềm ẩn rủi ro, bởi lẽ trên, nhất là các trang mạng xã hội hay nền tảng chia sẻ video đang có nhiều hình ảnh, video được đăng tải có không ít nội dung có thể tác động trực tiếp đến tâm lý, hành vi và nhân cách của trẻ em.
Có thể kể đến những nền tảng mạng xã hội được phần lớn người dùng sử dụng như TikTok. Đây là nền tảng mạng xã hội chia sẻ video ngắn được phát triển bởi những những người lập trình viên Trung Quốc, nền tảng này thu hút hàng triệu người dùng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các nước khác trên thế giới. Một nền tảng mạng xã hội khác được nhiều người biết đến đó là YouTube, hiện đang được nhiều người dùng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, truy cập và sử dụng hàng ngày. Thông qua các ứng dụng này, nhiều người có thể giải trí, học tập hay truyền tải thông tin của cá nhân mình, thậm chí nếu tận dụng tốt các ứng dụng còn trở thành công cụ kiếm tiền. Tuy nhiên, trên các ứng dụng này cũng tồn tại nhiều hình ảnh có nội dung phản cảm, không phù hợp với trẻ nhỏ.
Những video có lượt xem, thích nhiều thì sẽ được ứng dụng tự động đề xuất trên trên mục “Thịnh hành” ở YouTube hay mục “Xu hướng” trên TikTok. Do vậy, trẻ em truy cập các ứng dụng này sẽ vô thức truy cập vào những nội dung đó. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay xuất hiện trường hợp trẻ em học theo các video trên mạng rồi bắt trước quay lại những hành động đó câu view theo phong trào. Điều đó, có thể là biến những đứa trẻ đó thành mục tiêu của một số đối tượng có ý đồ xấu và đặc biệt thông tin cá nhân trẻ em có thể bị xâm phạm.
Tạo môi trường mạng lành mạnh cho trẻ tránh xa những thông tin tiêu cực trên mạng
Không phải phụ huynh nào cũng nhận biết rõ những ảnh hưởng của việc tiếp xúc sớm với mạng xã hội vì công nghệ ngày càng phát triển trong khi các bậc phụ huynh lại quá bận bịu với nhiều công việc, nếu không tiếp cận thường xuyên sẽ không biết về những mặt trái này. Điều đáng lo ngại hơn cả là có nhiều em nhỏ lại bị cuốn hút với những video nguy hiểm, có nội dung bạo lực… Trong khi, nhiều bậc phụ huynh chưa có biện pháp hiệu quả để kiểm soát việc con em mình tiếp cận với các nội dung này. Một số phụ huynh còn lợi dụng các thiết bị điện tử thông minh để “dụ” trẻ ăn cơm hoặc chọn là phần thưởng khi trẻ đạt thành tích cao trong học tập, vô hình trung làm nhiều trẻ nghiện sử dụng các thiết bị này.
Trong khi các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các nội dung xấu trên không gian mạng vẫn còn hạn chế thì các bậc phụ huynh phải tăng cường quản lý nội dung mà trẻ em truy cập trên các nền tảng chia sẻ video nói riêng hay các trang mạng xã hội nói chung. Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ em bị nghiện điện thoại và có không ít hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Thế nên, để giúp con mình tránh được các hiểm họa từ môi trường mạng, thì các bậc phụ huynh cần kiểm soát, định hướng chặt chẽ để giúp con em chọn lọc được thông tin phù hợp, hữu ích với lứa tuổi.
Nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, mà cần sự chung tay, phối kết hợp của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mỗi cá nhân, đơn vị phải đóng góp vào việc nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ con em mình khi tham gia môi trường mạng. Và trên tất cả, gia đình, nhà trường và người chăm sóc trẻ... phải là những “bức tường lửa” để giúp các em đứng vững trước những cám dỗ của thế giới mạng. Bởi nhu cầu tìm hiểu, khám phá của con trẻ trên môi trường mạng là tất yếu và chính các em cũng mong muốn được tham gia môi trường mạng internet lành mạnh và an toàn./.
Lê Minh