Xã hội
Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần thăm dò ý kiến người lao động trực tiếp
02:26 PM 27/11/2018
Phương án tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được Bộ LĐ-TB&XH đưa vào nội dung của dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 và được Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2019. Liên quan đến nội dung này, nhiều người lao động đang rất quan tâm.
Nhiều thợ mỏ đề nghị việc tăng tuổi nghỉ hưu nên có quy định riêng cho các đối tượng làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. (Ảnh: Khai thác than tại Công ty Than Mông Dương)
Có 2 phương án đề xuất. Phương án 1, từ năm 2021, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 6 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2030. Phương án 2, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2035.
Quảng Ninh hiện có 400.000 lao động, trong đó nhiều lao động trực tiếp làm việc tại môi trường nặng nhọc, độc hại như ngành Than, hay một số ngành đặc thù như dịch vụ du lịch, may mặc... Vì vậy, khi đề cập đến việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhiều lao động rất băn khoăn.
Được biết, sau nhiều năm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam kiên trì đề xuất lên Chính phủ, đến nay chính sách nghỉ hưu đối với thợ lò đã được công nhận với nhiều điểm có lợi cho người lao động. Chính phủ đã đồng ý cho thợ mỏ nghỉ hưu từ 50-55 tuổi và có đủ 20 năm công tác đóng BHXH, trong đó đủ 15 năm làm việc trong hầm lò.
“Nếu bây giờ tăng tuổi nghỉ hưu, thợ lò phải đủ 55-60 tuổi mới được nghỉ hưu. Nhưng ở độ tuổi sau 55, cơ bản người lao động khó có thể đảm bảo sức khỏe khi làm việc trong lò” - anh Đỗ Túy, công nhân Công ty Than Mạo Khê chia sẻ. Và đa phần các thợ lò khi được hỏi đều cho rằng: Việc tăng tuổi nghỉ hưu nên có quy định riêng cho các đối tượng làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại.
Sản xuất giầy da ở Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng Uông Bí.
Quảng Ninh là tỉnh có tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm ưu thế, vì vậy lao động làm việc trong lĩnh vực này khá lớn, nhất là phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Thủy, nhân viên phục vụ tại một khách sạn ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, cho biết: Tăng tuổi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp khó khăn vì thiếu hụt đội ngũ lao động trẻ năng động, sáng tạo. Vì vậy, luật nên xem xét giữ nguyên quy định độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay, hoặc tăng nhưng có lộ trình và quy định độ tuổi thích hợp.
Qua tìm hiểu ở các KCN, doanh nghiệp ngành may mặc, người lao động cũng đề nghị nên cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu. “Tôi làm công nhân may, 45 tuổi mắt đã mờ, tay đã run, làm không bằng thợ trẻ. Tôi thấy đến 55 tuổi nghỉ hưu đã là quá sức rồi. Do đó, không nên tăng mức sàn độ tuổi nghỉ hưu mà chỉ nên áp dụng ở một số ngành nghề đặc thù” - chị Trần Thị Hương, công nhân Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng Uông Bí chia sẻ.
Nhiều cán bộ công đoàn cho rằng, nếu nâng tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian đóng BHXH, thì phải tính đóng BHXH dựa trên lương thực hưởng chứ không phải trên lương tối thiểu. Và theo kinh nghiệm quốc tế, đa số các nước đều điều chỉnh tuổi nghỉ hưu dần dần. Tuy nhiên, hiếm có quốc gia nào điều chỉnh tuổi hưu khi đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỉ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ cao như Việt Nam bây giờ.
Ông Đỗ Văn Khánh, Phó Ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ tỉnh, cho rằng: Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần nghiên cứu, thăm dò ý kiến từ chính người lao động trong từng ngành nghề cụ thể. Quy định độ tuổi nghỉ hưu cần linh hoạt, không thể áp một mức cho tất cả người lao động. Theo đó, người muốn tiếp tục cống hiến hay nghỉ hưu thì để họ có quyền lựa chọn tuổi nghỉ hưu trong khung quy định phù hợp với nguyện vọng, điều kiện sức khỏe, kinh tế, hoàn cảnh gia đình...
Theo Báo Quảng Ninh