Xã hội
Sóc Trăng: Thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo
09:47 AM 29/03/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Sóc Trăng đang chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thành phần của Chương trình nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.
Hộ nghèo được hỗ trợ mô hình sinh kế phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Trên cơ sở văn bản của Trung ương, tỉnh đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Sở Lao động – TBXH đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện Chương trình; tổ chức kiện toàn Tổ giúp việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện phân bổ nguồn ngân sách thực hiện Chương trình năm 2023 và phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác chuyển nguồn kinh phí. Theo đó trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng được phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 88.017 triệu đồng, gồm có: Ngân sách trung ương: 79.975 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 11.733 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 68.242 triệu đồng); Ngân sách địa phương: 8.042 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 1.174 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 6.868 triệu đồng). Kinh phí năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 22.294 triệu đồng.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người nghèo, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác thông tin, phản ánh kịp thời các hoạt động triển khai và kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo; đề nghị Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trạm Truyền thanh các xã, phường, thị trấn thực hiện tiếp âm từ Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố về các nội dung có liên quan; biên tập tin, bài của địa phương cộng tác trên Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sóc Trăng, đăng tải lên Trang thông tin điện tử của địa phương thông tin, tuyên truyền nội dung trên một cách sinh động, dễ hiểu, phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp và làm việc với các Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ Lao động- TBXH.
Tỉnh tập trung thực hiện Dự án 1. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Trong năm 2023, đã triển khai thực hiện 01 công trình giao thông nông thôn trên địa bàn xã Xuân Hòa tuyến dọc Mương Ổi - Bờ dọc (bờ nam), tuyến cặp kênh Xáng Cái Côn thuộc bờ đông từ voi kênh xáng đến giáp ranh tỉnh Hậu Giang, tuyến rạch Bào Càng (bờ nam), tuyến vàm Ba Trinh – rạch Miễu (nối tiếp). Đối với Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, các địa phương đang khẩn trương rà soát, hỗ trợ đối tượng lập dự án để kịp thời triển. Tổ chức thu thập thông tin người lao động, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các địa phương triển khai Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin, tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã. Sở Lao động – TBXH phối hợp các địa phương xây dựng tổ chức 03 lớp tập huấn về nghiệp vụ thực hiện Chương trình và công tác rà  soát hộ nghèo, hộ nghèo.
Thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp đã vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ Quỹ, kết quả đã tiếp nhận được trên 14,98 tỷ đồng. Đồng thời, Công an tỉnh đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các địa phương triển khai công tác hỗ trợ nhà ở cho 1.200 hộ nghèo, các tổ chức, cá nhân khác tham gia hỗ trợ xây dựng 150 căn nhà đại đoàn kết, với tổng kinh phí 67,5 tỷ đồng. Tổ chức 50 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý với hơn 3.400 lượt người dân đến dự, tại các buổi truyền thông các Báo cáo viên phổ biến đến người dân Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, giới thiệu một số nội dung của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023, Luật Người cao tuổi 2009..., đồng thời cấp phát miễn phí hơn 3.564 tờ gấp pháp luật cho người dân tham dự; thực hiện 553 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó số vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo là 34 vụ việc.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn, nhà ở và hỗ trợ gạo cho học sinh và trường phổ thông xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ cho 9.270 học sinh, với tổng số gạo cấp phát là 646.260 kg; thực hiện chế độ chính sách với 3.410 học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; thực hiện chính sách miễn giảm học phí học sinh và hỗ trợ chi phí học tập 8.498 học sinh với số tiền 7.415 triệu đồng cho các trường THPT trực thuộc theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ; trao 25.321 suất học bổng khuyến học, khuyến tài cho học sinh, sinh viên vượt khó hiếu học; học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp khu vực và quốc gia. Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 33.126 lượt hộ nghèo, với kinh phí 13,32 tỷ đồng;  hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 50.261 lượt hộ nghèo, với kinh phí 6,06 tỷ đồng.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở Lao động – TBXH phợp hợp tổ chức thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân, trong đó các sở, ngành, địa phương có liên quan cần tăng cường phối hợp trong tổ chức thực hiện, tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án thuộc Chương trình. Việc triển khai hiệu quả các dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân (đặc biệt là các mô hình, dự án về phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm) thuộc Chương trình là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương liên quan./.
Hồng Phượng