Xã hội
Quảng Ninh: Trọn vẹn nghĩa tình với người có công
10:37 AM 27/07/2022
(LĐXH) – Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện lòng biết ơn và góp phần bù đắp những mất mát cho các gia đình chính sách, người có công.
Quảng Ninh hiện có trên 12.500 đối tượng NCC với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Xác định việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, NCC với cách mạng không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm, đạo lý tri ân với thế hệ đi trước, những năm qua công tác này luôn được tỉnh, các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm.
Không chỉ là địa phương đi đầu thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đối với NCC với cách mạng theo quy định của Nhà nước, tỉnh còn ban hành các nghị quyết riêng, với nhiều chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện hỗ trợ, chăm lo cho NCC trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sửa chữa, xây mới nhà ở cho gia đình NCC luôn được tỉnh quan tâm thực hiện tốt, tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội. Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã hỗ trợ nhà ở cho gần 10.000 gia đình NCC, tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng, trong đó hơn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương hoàn thành Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sớm nhất nước, vượt 20% số hộ được hỗ trợ so với Đề án được Bộ LĐ-TB&XH thẩm định. Đặc biệt, năm 2020 HĐND tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 246/2020/NQ-HĐND về Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 3. Điểm mới nổi bật là nguồn kinh phí thực hiện 100% từ ngân sách tỉnh, khác với giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có sự hỗ trợ ngân sách của Trung ương. Hết năm 2020 đã có gần 3.000 gia đình NCC được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng. Những ngôi nhà không chỉ mang giá trị vật chất, giúp NCC yên tâm ổn định cuộc sống, mà còn thể hiện tình cảm, sự chăm lo của xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Thị Minh Thanh tặng quà cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phưởng
tại khu Yên Lâm, phường Đức Chính, thị xã Đông Triều.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn ban hành thêm một số cơ chế, chính sách cụ thể riêng, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng. Cụ thể như: Hỗ trợ tiền ăn 1,4 triệu đồng/đợt điều dưỡng đối với những người điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh và 700.000 đồng/đợt đối với các trường hợp điều dưỡng tại gia đình; Hỗ trợ 60.000 đồng/tháng và 100.000 đồng/tháng cho học sinh, sinh viên là con liệt sĩ, thương bệnh binh nặng có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường dạy nghề. Giai đoạn 2007-2022, tỉnh đã hỗ trợ cho 305 con liệt sĩ, con thương, bệnh binh nặng, tổng kinh phí 562,4 triệu đồng.
Thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân các gia đình chính sách, người có công. Trong đó UBND tỉnh đã tổ chức đoàn đại biểu đến dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa Trang liệt sĩ Đường 9; Dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; Tổ chức dâng hoa, dâng hương và thả hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại bờ Nam sông Thạch Hãn - dòng sông đã đi vào huyền thoại gắn liền với chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị; Thắp hương tưởng nhớ 10 cô gái thanh niên xung phong anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc…
Nhân dịp này, tỉnh Quảng Ninh trích ngân sách tỉnh trao tặng hơn 17.000 suất quà với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng đến các đối tượng chính sách. Trong đó, tỉnh trao 299 suất quà trị giá 2,5 triệu đồng/suất với tổng kinh phí hơn 747 triệu đồng cho các đối tượng: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thân nhân liệt sỹ già yếu cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sỹ mồ côi cả cha và mẹ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng; Thương binh (bao gồm cả thương binh loại B), người hưởng chính sách như thương binh, Bệnh binh, Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động trong kháng chiến; Cán bộ Lão thành cách mạng; Gia đình liệt sỹ anh hùng;…
Trao tặng 16.916 suất quà trị giá 1,5 triệu đồng/suất với tổng kinh phí gần 25,4 tỷ đồng cho các đối tượng: Thương binh đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; thương binh đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp tuất liệt sỹ; Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng; Người đại diện gia đình thờ cúng liệt sỹ… Đồng thời, tặng quà 170 đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu tại Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu và tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Quảng Ninh, mỗi suất quà trị giá 1,5 triệu đồng với tổng kinh phí 255 triệu đồng.
Quảng Ninh cũng sẽ tổ chức thăm, tặng 39 suất quà trị giá 3 triệu đồng/suất cho người có công tại các địa phương (Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương, bệnh binh, người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm sức khỏe từ 81% trở lên,...) với tổng kinh phí 117 triệu đồng và tặng quà cho 5 tập thể, bao gồm: 4 Trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Trung tâm điều dưỡng người có công của tỉnh, mỗi đơn vị nhận quà trị giá 6 triệu đồng với tổng kinh phí 30 triệu đồng.
Những hoạt động tri ân thiết thực thể hiện lòng biết ơn của các cấp, ngành và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân./.
Minh Cảnh