Xã hội
Quảng Bình: Triển khai đồng bộ chính sách giảm nghèo
09:02 AM 27/11/2021
Với sự cố gắng nỗ lực, chỉ đạo tích cực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2021 cơ bản đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,54% (tương đương 1.369 hộ) xuống còn 3,36% (tương đương 8.158 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,74% (tương đương 1.880 hộ) xuống còn 4,15% (tương đương 10.525 hộ).
Có được kết quả đó là do thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo đồng bộ và hiệu quả. Các phong trào thực hiện công tác giảm nghèo thu hút đông đảo sự quan tâm, giúp đỡ của cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội với hàng tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt là sự đóng góp, chung tay của người dân tại cộng đồng dân cư nơi sinh sống, góp phần quan trọng trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở.
Bên cạnh đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 19.704 lượt người vay vốn xóa nhà ở tạm, học sinh, sinh viên... với số tiền hơn 988 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn sản xuất, tăng thu nhập; giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên trong học tập. Toàn tỉnh có 46.789 người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số và người dân đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế theo quy định của Nhà nước với trên 30 tỷ đồng, giúp người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, góp phần giảm bớt khó khăn cho bản thân và gia đình.
Hộ nghèo được quan tâm hỗ trợ nhiều chính sách phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững
Mặt khác, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và lao động nghèo, cận nghèo nói riêng trên địa bàn tỉnh được triển khai tương đối đồng bộ, có chiều hướng chuyển biến tích cực. Lao động sau khi học nghề đã tham gia thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm mới, tăng năng suất lao động, thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia xuất khẩu lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Các ngành, địa phương đã tổ chức truyền thông trực tiếp tại các điểm là thôn, bản, xã nghèo, đặc biệt khó khăn và xã không thuộc xã nghèo, trong đó có nhiều đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số; biên soạn, in ấn và phát hành tờ gấp, tờ rơi pháp luật về trợ giúp pháp lý... góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý, hệ thống tổ chức thực hiện, người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng để họ dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý. Các ngành, địa phương cũng đã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; thực hiện các dự án, mô hình như chăn nuôi gà, lợn, bò sinh sản và trồng trọt… cho 515 hộ thụ hưởng để phát triển sản xuất, sinh kế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Từ Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2020 đến ngày 15/9/2021, Quỹ Vì người nghèo các cấp đã vận động, tiếp nhận hơn 20,8 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trên 12,9 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa nhà ở cho 153 hộ nghèo; hỗ trợ công trình thiết yếu phục vụ cộng đồng nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 443 hộ nghèo; thăm, tặng quà lễ, Tết... nhằm giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc huy động vốn đầu tư phát triển của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương, hỗ trợ của doanh nghiệp, nguồn huy động tại cộng đồng và bản thân tự lực của người nghèo còn hạn chế. Một số người dân còn mong chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, vẫn còn nhiều hộ dân mong muốn được đứng trong danh sách hộ nghèo để thụ hưởng chính sách, chưa thực sự vươn lên thoát nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm tương đương mức bình quân chung của cả nước nhưng chưa thực sự bền vững. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, hiện nay đã có gần 8.000 lao động ở các tỉnh phía Nam di chuyển về quê, đang gặp khó khăn về kinh tế do nhiều tháng không có việc làm, cạn kiệt nguồn tiết kiệm, có nguy cơ làm tăng hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương, cơ sở…
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,8 - 2,0%; dự ước giai đoạn 2022 - 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,3 - 1,7%/năm, riêng huyện nghèo Minh Hóa giảm bình quân từ 2,5 - 3,0%/năm; bảo đảm hộ nghèo, người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản; được hỗ trợ sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, dịch vụ y tế, giáo dục… đặc biệt là hộ nghèo, người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, toàn tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức phù hợp với trình độ tiếp cận của từng vùng, đặc biệt nêu cao ý thức trách nhiệm của bản thân người nghèo, hộ nghèo, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, chăm chỉ làm việc vươn lên thoát nghèo bền vững; kịp thời nêu gương, động viên và khen thưởng những hộ đăng ký thoát nghèo, có cách làm tốt, thoát nghèo bền vững, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp có đóng góp lớn cho công tác giảm nghèo trên địa bàn, đồng thời phê phán trường hợp lợi dụng chính sách, chây ỳ trong lao động sản xuất; xây dựng phong trào đăng ký thoát nghèo bền vững trong Nhân dân.
Cùng với đó, các cấp, các ngành và địa phương đánh giá, khảo sát đúng, phù hợp thực trạng đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương, cơ sở; rà soát phân tích, phân loại hộ nghèo cụ thể theo nhóm nguyên nhân nghèo, từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm hộ nghèo; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập và tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo, cận nghèo; chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên; huy động nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở, đảm bảo mức tối thiểu về diện tích, chất lượng nhà ở theo quy định; hỗ trợ tiếp cận về nước sạch và vệ sinh, vận động nâng cao ý thức của người dân về cách ăn, ở hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường để bảo đảm giữ gìn sức khỏe. Các ngành, địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo học nghề, vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ, tìm kiếm thị thường lao động trong nước và thị trường lao động ngoài nước để giải quyết việc làm tạo thu nhập, cải thiện đời sống, giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo; tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và lao động nông thôn, trong đó có lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của lao động có đào tạo, có tay nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tham gia xuất khẩu lao động; đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động để bảo đảm cho học viên người dân tộc thiểu số có việc làm sau khi tốt nghiệp các khóa học nghề.
Ngoài ra, các cấp, các ngành và địa phương sẽ phát triển của cộng đồng dân cư gắn liền với sự vươn lên của hộ nghèo; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nước sạch...) tại các khu dân cư, đặc biệt tại vùng nghèo, xã nghèo nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về tiếp cận các dịch vụ cơ bản giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
PV