Xã hội
Quảng Bình đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống mại dâm
03:37 PM 10/07/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về công tác phòng, chống mại dâm.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều cơ sở kinh doanh có nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó có 42 cơ sở lưu trú, 8 cơ sở karaoke và massage. Từ đầu năm 2023 đến nay (6 tháng đầu năm), tình hình hoạt động mại dâm có xu hướng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tuy nhiên tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động của đối tượng chủ chứa, môi giới, dẫn dắt mại dâm và gái mại dâm ngày càng kín đáo, tinh vi.
Các đối tượng mua, bán dâm ở Quảng Bình hoạt động dưới nhiều hình thức mới như: lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị thông minh; lập ra các hội, nhóm, website có nội dung khiêu dâm trên mạng xã hội, internet để hoạt động công khai, thông qua các mạng xã hội để trao đổi thông tin liên quan mại dâm với nhau, gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh của lực lượng Công an.
Địa điểm hoạt động mại dâm phần lớn diễn ra ở các cơ sở lưu trú và các khu nghỉ dưỡng. Khi khách đến nghỉ có nhu cầu mua dâm, chủ các cơ sở lưu trú, các đối tượng dẫn dắt, thông qua điện thoại di động móc nối với nhau để gọi gái bán dâm, hẹn thời gian, địa điểm để tổ chức mua, bán dâm.
Chủ các cơ sở lưu trú ít khi thực hiện hành vi dẫn dắt, môi giới mà thường giao cho nhân viên phụ giúp việc như lễ tân, bảo vệ… thực hiện, nếu bị phát hiện, bắt giữ thì chủ cơ sở chỉ nhận hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm. Một số cơ sở bị xử lý rút giấy phép kinh doanh thì làm thủ tục nhờ người thân đứng tên cơ sở lưu trú nhưng thực tế vẫn trực tiếp điều hành, quản lý việc kinh doanh.
Gái bán dâm chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, số ít bị dụ dỗ đưa vào con đường bán dâm hoặc do ăn chơi đua đòi, lêu lỏng thiếu sự quản lý của gia đình. Địa bàn xảy ra tệ nạn mại dâm chủ yếu vẫn là ở trung tâm thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, các thị trấn khác trong tỉnh và trên các tuyến du lịch.
Tuổi trẻ Quảng Bình tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội và mại dâm trong lực lượng thanh niên (ảnh Internet)
Thời gian qua, để đẩy mạnh công tác phòng, chống mại dâm và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống mại dâm, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện. Trong đó có Kế hoạch số 442/KH-UBND ngày 22/3/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động PCMD giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 213/KH-BCĐ ngày 22/02/2023 về việc tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2023; Kế hoạch số 25/KH-BCĐ ngày 17/2/2023 về việc thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2023...
Đặc biệt, xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về phòng, chống mại dâm, UBND tỉnh luôn chú trọng trong công tác chỉ đạo các Sở, ban, ngành thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là về hình thức, nội dung và phương pháp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh, phòng chống tệ nạn mại dâm đến với mọi người dân.
Các Sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cũng đã ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn các địa phương và phân công lực lượng triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, các chuyên trang, chuyên mục, thiết kế công cụ, tài liệu truyền thông; đổi mới hình thức, nội dung công tác truyền thông, tập trung vào các đối tượng theo mục tiêu; đánh giá chỉ tiêu truyền thông đối với các đối tượng học sinh, sinh viên tại các Trường PTTH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động - TBXH Quảng Bình đã tổ chức lồng ghép truyền thông về phòng chống tệ nạn xã hội, phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố; đăng nhiều tin, bài tuyên truyền về phòng, chống mại dâm trên trang thông tin điện tử của Sở.
Sở Văn hóa và Thể thao in 16.000 tờ gấp về Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình để cung cấp cho các địa phương tuyên truyền, góp phần hình thành nhân cách, giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục trong mỗi thành viên các gia đình, hướng tới xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của quê hương, dòng họ, gia đình.
Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh triển khai hoạt động chiếu phim phục vụ nhân dân tại 64 xã miền núi, với 400 buổi chiếu thu hút khoảng 40.000 lượt người xem; đã thực hiện khoảng 55 buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình; đồng thời lồng ghép tuyên truyền công tác phòng, chống mại dâm.
Các đội thông tin lưu động của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thị xã, thành phố đã lồng ghép chương trình công tác với việc tuyên truyền, đưa thông tin về phòng, chống mại dâm đến nhân dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa...
UBND thành phố Đồng Hới và huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tuyên truyền thông qua việc phát tờ rơi, áp phích, bản tin phòng chống tệ nạn xã hội nhằm thông tin đến với người dân về các hoạt động phòng chống mại dâm. Bên cạnh đó, hướng dẫn các xã, phường tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, đồng thời tổ chức quán triệt nghiêm túc các nội dung, biện pháp thực hiện trong đội ngũ cán bộ cốt cán và triển khai thực hiện. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tại cộng đồng, thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn hỗ trợ cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm thành phố Đồng Hới treo được 165 panô, áp phích; huyện Bố Trạch tổ chức được 3 cuộc truyền thông tuyên truyền tại các xã, phường với 375 lượt người tham dự, treo được 85 pano, áp phích.
Song song với nhiệm vụ tuyên truyền, các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình còn tăng cường công tác quản lý địa bàn và thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng hoạt động mại dâm; kiện toàn và tăng cường hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp. Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp đã tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra và rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhằm chấn chỉnh quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh, hợp đồng lao động đối với người lao động. Ngoài việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng kiểm tra cũng đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tại các cơ sở trong quá trình kiểm tra để bảo đảm các quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện ký cam kết không tham gia hoạt động tội phạm và tệ nạn mại dâm.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Bình đã phát hiện đấu tranh làm rõ 04 vụ /22 đối tượng; trong đó, khởi tố 02 vụ/02 bị can, xử phạt hành chính 02 vụ/02 đối tượng.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung và đổi mới hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức các cấp, ngành trong phòng chống tệ nạn mại dâm, đặc biệt về tác hại của tệ nạn mại dâm đối lực lượng thanh thiếu niên hiện nay. Đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực, tăng cường kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp, tiếp tục rà soát, kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành các cấp. Xây dựng, triển khai có hiệu quả các mô hình hỗ trợ giảm hại trong phòng, chống mại dâm tại cộng đồng, đánh giá hiệu quả hoạt động mô hình...

Chí Tâm