Xã hội
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
04:14 PM 18/04/2024
(LĐXH) - Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả tích cực. Đời sống của người nghèo, các đối tượng yếu thế được cải thiện rõ rệt.
Nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp người dân trong tỉnh vươn lên thoát nghèo
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Bình có 31 mô hình và 17 dự án đã và đang triển khai như: nuôi bò lai sinh sản, lợn sinh sản, gà lai chọi, gà lai ri, ngan đen, trồng nấm sạch, làm nón lá, đan mây mỹ nghệ, hỗ trợ giống ngô, lạc… cho 1.823 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số; Hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.364 lao động, trong đó có 651 lao động thuộc hộ nghèo, 911 lao động thuộc hộ cận nghèo và 291 lao động thuộc hộ mới thoát nghèo; Tư vấn, hỗ trợ đào tạo cho 360 người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng…
Kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo, toàn tỉnh có 41.439 lượt hộ vay vốn tín dụng ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 2,425 tỷ đồng, gồm: 4.915 hộ nghèo, 6.406 hộ cận nghèo, 8.458 lượt hộ mới thoát nghèo, 1.234 lượt hộ có học sinh, sinh viên, 14.441 lượt cho vay giải quyết việc làm, 33 lượt cho vay đi xuất khẩu lao động, 4.152 lượt cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, 135 lượt cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt, 1.665 lượt học sinh, sinh viên vay mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Bình giảm 0,95/0,8% so với năm 2022, đạt 118,7% kế hoạch (hiện nay còn 10.473 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,05%); hộ cận nghèo giảm 0,75/0,5% so với năm 2022, đạt 150% (hiện nay còn 10.379 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,01%).
Về công tác trợ giúp xã hội, nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2023, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ 1.241.580 kg gạo của Chính phủ để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân; tặng quà của tỉnh cho 12.847 hộ nghèo với tổng kinh phí 12,847 tỷ đồng. Ngoài ra, các huyện đã thăm và tặng 9.345 suất quà cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em và các đối tượng khác với tổng số tiền hơn 3,823 tỷ đồng; các xã thăm và tặng 778 suất quà cho người nghèo, người cao tuổi, trẻ em với tổng số tiền 240 triệu đồng; vận động xã hội hóa tặng 4.309 suất quà cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em với tổng số tiền gần 2,388 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có 131 cụ tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng Thiệp chúc thọ và 1.340 cụ tròn 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Thiếp chúc thọ với tổng kinh phí 995,45 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: Các quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương liên quan việc triển khai các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG giảm nghèo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, vẫn có sự chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; tỷ lệ giải ngân một số Dự án, Tiểu dự án chưa đạt kế hoạch đề ra. Quy định mức chuẩn hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quá thấp, chưa bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai chi trả các chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội vẫn còn một số bất cập, chưa khắc phục triệt để. Việc triển khai chủ trương chi trả trợ cấp an sinh xã hội cho đối tượng không dùng tiền mặt còn chậm, đến nay toàn tỉnh mới có 278 đối tượng thụ hưởng dịch vụ này.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân về công tác giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo thông qua các phong trào, cuộc vận động “Tháng hành động vì người nghèo”, “Quỹ vì người nghèo”, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo sau đào tạo tìm được việc làm. Đẩy mạnh công tác khuyến nông - lâm - ngư nghiệp, hướng dẫn, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất cho hộ nghèo, giúp thoát nghèo được bền vững. Thường xuyên tuyên truyền, minh bạch công khai các chính sách tín dụng; nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Đối với công tác trợ giúp xã hội, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội ở các cấp, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến trợ giúp xã hội ngay tại cơ sở. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kêu gọi sự hỗ trợ cho các đối tượng gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi… để đảm bảo cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Triển khai thực hiện có hiệu quả đồng bộ về quản lý, cập nhật dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội theo Đề án 06 của Chính phủ; triển khai cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất của Trung tâm Công tác xã hội theo Đề án đã được phê duyệt./.
Hồng Phượng