Xã hội
Quan tâm hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng
08:56 AM 02/07/2018
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Những năm qua, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, song Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động rà phá bom mìn vật nổ, khắc phục chất độc hóa học sau chiến tranh và đặc biệt là hỗ trợ nạn nhân bom mìn, nạn nhân dioxin. Thực hiện Quyết định 504/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, Chính phủ đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để xây dựng thí điểm nâng cấp 10 Trạm y tế xã ở 10 tỉnh có mật độ ô nhiễm bom mìn cao thành Trung tâm phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn với mục đích sơ cấp cứu ban đầu, chuyển tuyến lên tuyến trên cứu chữa và điều trị, sau đó quay trở lại Trung tâm phục hồi chức năng tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại 9 địa phương (Bình Định, Kon Tum, Bắc Ninh, Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Giang). Hội Hỗ trợ nạn nhân đã hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật cho các nạn nhân bị tai nạn bom mìn vừa xảy ra như vụ tai nạn bom mìn tại Hà Đông, Bắc Ninh và các nạn nhân ở các địa phương như Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Giang…
Chính phủ đầu tư xây dựng thí điểm 10 trạm y tế hỗ trợ nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Lao động- TBXH đã xây dựng kế hoạch tổng thể cấp độ quốc gia để trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, tập trung vào các nhiệm vụ chính là cứu chữa kịp thời, hiệu quả và nâng cao  năng lực của hệ thống phục hồi chức năng và trợ giúp cho nạn nhân bom mìn; Hỗ trợ về sinh kế, vay vốn, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm; Tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn.
Bộ đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Đề án cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, trong hợp phần của Đề án có nội dung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn. Đây là cơ sở để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đảm bảo tính thống nhất, cũng như đảm bảo sự chia sẻ giữa các bộ, ngành, các đối tác quốc tế và các địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động-TBXH đã hỗ trợ sinh kế tại các trung tâm công tác xã hội tại Thanh Hóa, Đà Nẵng… Ngày 03/6/2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định thành lập nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (MAPG), gồm các cơ quan của các Bộ, ngành, Ban điều phối vận động nhân dân (PACCOM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các địa phương, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ, cá nhân trong và ngoài nước… Kỳ vọng của nhóm đối tác là tạo môi trường đối thoại rộng rãi, cởi mở của các thành viên trong nhóm về những nội dung liên quan đến chính sách, chiến lược, chính sách, thể chế, kế hoạch và các giải pháp huy động và phối hợp nguồn tài trợ quốc tế phục vụ Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
Đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đã tích cực tham gia công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại các tỉnh miền Trung, trong đó chủ yếu ưu tiên cho các hợp phần giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn. Các chương trình, dự án của các tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn đang ngày càng được triển khai bám sát cuộc sống và sinh hoạt của người dân, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực, ngày càng rõ nét cho các đối tượng bị tác động bởi sự ô nhiễm bom mìn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của các địa phương.
Nội dung và các hình thức hoạt động của các tổ chức nước ngoài khá đa dạng với nhiều cách tiếp cận, hỗ trợ nạn nhân bom mìn như: phát sách, tài liệu tuyên truyền đến tận tay người dân (tổ chức Golden West), xây dựng các cơ sở chỉnh hình phục hồi chức năng nạn nhân bom mìn (IC-VVAF, NPA, MAG), phối hợp với Hội Phụ nữ cung cấp các gói tín dụng quy mô nhỏ cho người dân (Cây Hoà Bình Việt Nam)...; hỗ trợ chuyển giao ngân sách của Chính phủ như Hàn Quốc; hỗ trợ trang bị phục hồi chức năng của Mỹ... Đánh giá một cách tổng thể, nguồn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam tuy đã đáp ứng được một phần nhu cầu của khu vực miền Trung nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu thực tế hiện nay của Việt Nam.
Hồng Phượng