Xã hội
Phú Yên từng bước xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội
05:35 PM 25/03/2024
(LĐXH) - Dưới tác động nhiều mặt do tình hình phát triển kinh tế - xã hội mang lại, nghề công tác xã hội (CTXH) dần được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, dù có khó khăn, nhưng để phát triển nghề CTXH, tỉnh Phú Yên đã đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn.

Toàn tỉnh Phú Yên hiện có hơn 50.000 đối tượng bảo trợ xã hội. 07 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang nuôi dưỡng, chăm sóc hàng trăm đối tượng. Trong năm 2023, toàn tỉnh Phú Yên có 23.538 trường hợp được trợ cấp xã hội hằng tháng với số tiền hơn 80 tỉ đồng và 1.857 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng với số tiền hơn 4,7 tỉ đồng. Địa phương cũng đã cấp 16.215 thẻ BHYT cho người nghèo; 38.427 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo; có 36.897 người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; cấp 30.152 thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình, 30.939 thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn và người dân đang sinh sống vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất cho 701 hộ nghèo, 1.921 hộ cận nghèo, 400 hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ vốn vay cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt với số tiền 53,393 tỉ đồng…

CTXH đã thực sự là hoạt động kết nối và sẻ chia

Để đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội, cần được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CTXH của người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã triển khai kịp thời các chương trình, chính sách an sinh xã hội. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có cộng tác viên, nhân viên CTXH với hơn 800 người, tạo thành một mạng lưới trợ giúp các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển CTXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp tục duy trì, củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời từng bước phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH. Trên tinh thần đó, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp để khắc phục các hạn chế khách quan và chủ quan trước mắt. Đó là sự thiếu đa dạng của các dịch vụ CTXH, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu. Năng lực cung cấp dịch vụ CTXH và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở hiệu quả chưa cao. Đội ngũ nhân sự còn mỏng…

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng còn phải quan tâm đến các hoạt động học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, kỹ năng sống; tư vấn, tham vấn... Tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các phong trào từ thiện, hỗ trợ nhân đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Phát hiện và có những hoạt động hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh. Đồng thời có sự liên kết phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động và phong trào từ thiện tình thương.

Dưới tác động nhiều mặt do tình hình phát triển kinh tế - xã hội mang lại, nghề CTXH dần được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, dù có khó khăn, nhưng để phát triển nghề CTXH, tỉnh Phú Yên đã đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Toạ đàm chia sẻ về nghề công tác xã hội

Đặc thù của nghề CTXH là tìm hiểu, chăm sóc, định hướng cho các đối tượng chính sách, giúp họ vượt qua khó khăn bằng tình yêu thương, chia sẻ và tư vấn, hỗ trợ về chính sách theo quy định của Nhà nước. Do đó, ngoài việc phải tham gia các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bản thân cán bộ CTXH cần có sự thấu hiểu, chia sẻ và tính trách nhiệm cao. Tuy nhiên, trong thực tế, tại Việt Nam, thời gian qua CTXH vẫn chỉ được hiểu trên ý nghĩa làm từ thiện, các thành viên làm CTXH với tính chất tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã đôi khi là những người dân tự nguyện…. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo các kỹ năng mềm, các khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững.

Trong những ngày tháng 3, hướng tới kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3), đây chính là dịp để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm CTXH trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời qua đó góp phần phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau; thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình, cộng đồng gặp khó khăn và phát huy vai trò của người làm CTXH.

Đăng Doanh

Từ khóa: CTXH phú Yên