Xã hội
Phát huy trách nhiệm, lan toả nghĩa tình trong thực hiện các hoạt động hướng tới người có công ở Bình Định
02:10 PM 17/10/2023
(LĐXH) - Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bình Định luôn quan tâm công tác "Đền ơn đáp nghĩa" thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Tại huyện Phù Cát, đã nhiều năm nay, Hội LHPN huyện thường xuyên phối hợp với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để thực hiện tốt công tác tri ân người có công với cách mạng bằng hình thức hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà tại địa phương, nhằm giúp hộ gia đình chính sách vơi bớt khó khăn. Trong năm 2022, Hội LHPN huyện phối hợp các đơn vị nhà hảo tâm sửa chữa, 18 mái ấm tình thương cho gia đình hội viên phụ nữ nghèo, gia đình chính sách, tổng trị giá hàng trăm triệu đồng; thăm hỏi, tặng 292 suất quà với tổng số tiền 125 triệu đồng cho các gia đình chính sách, hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia làm vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh tại các nghĩa trang liệt sỹ, di tích lịch sử...

Hội LHPN Phù Cát thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng

Riêng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Hội LHPN huyện và các Hội cơ sở đã tổ chức thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sỹ, các nữ thương binh, bệnh binh, nữ thanh niên xung phong trên địa bàn huyện. Dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua, Hội LHPN huyện đã trao tặng 264 suất quà cho gia đình cán bộ Hội thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng; thắp hương mẹ Việt Nam anh hùng; 100% Hội LHPN cấp huyện, các đơn vị trực thuộc đều có hoạt động tri ân thiết thực như trao tặng 264 suất quà, trị giá gần 120 triệu đồng cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng; đóng góp trên 500 ngày công quét dọn vệ sinh nghĩa trang, đài tưởng niệm, làm đèn hoa đăng… Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao đời sống vật chất cho hội viên, đặc biệt hội viên là thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, Hội đã đẩy mạnh chương trình "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế", tạo điều kiện cho phụ nữ các gia đình chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn ủy thác qua Hội LHPN đạt trên 342 tỷ đồng, tạo điều kiện cho trên 8.450 lượt hội viên, phụ nữ vay vốn. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện giúp đỡ, vận động chị em thuộc các gia đình chính sách khó khăn đầu tư mở rộng mô hình kinh tế đang có hướng phát triển tốt ở địa phương... Đặc biệt, phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", chị em còn tích cực tham gia giúp hội viên nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng bằng chương trình cho vay giống, vốn không lấy lãi, hỗ trợ ngày công lao động...

Nhằm tạo sức lan tỏa các hoạt động tri ân trong cán bộ, hội viên phụ nữ, Hội LHPN cũng đã lồng ghép trong các chương trình, phong trào, hoạt động của Hội để tuyên truyền, phổ biến về những chế độ, chính sách mới ban hành đối với gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; tạo điều kiện để chị em tham gia các buổi trao đổi, tọa đàm nhằm chia sẻ, nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam tại gia đình... Đồng thời, Hội còn sâu sát trong chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng ở địa phương bám sát cơ sở, nắm rõ số lượng, hoàn cảnh gia đình nữ thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; tăng cường tham mưu với chính quyền địa phương để tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử tại thị trấn Ngô Mây, hiện có 349 gia đình chính sách có công với cách mạng trong đó có 220 người thương bệnh binh, tù chính trị và 129 liệt sĩ, đời sống của một số gia đình chính sách vẫn còn khó khăn, vất vả. Để góp phần nâng cao đời sống vật chất phụ nữ nói chung và các chị em thương, bệnh binh, gia đình chính sách khó khăn nói riêng, Hội phụ nữ thị trấn đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững thông qua các hoạt động tạo nguồn vốn quay vòng không tính lãi. Tính đến nay Hội đã duy trì thực hiện 108 tổ góp vốn tiết kiệm có 1.122 lượt hội viên tham gia đã góp vốn xoay vòng  được hơn 475 triệu đồng giúp cho 108 chị mượn không tính lãi, phục vụ cho chăn nuôi, mua bán phát triển kinh tế gia đình.  Ngoài ra Hội thực hiện chương trình ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phù Cát tạo điều kiện cho chị em vay vốn làm ăn, học nghề, giới thiệu việc làm đến nay tổng dư nợ hơn 29 tỷ đồng có 415 hộ vay. Các mô hình, hoạt động “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác”, “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”… đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ nói chung và phụ nữ các gia đình chính sách nói riêng trên địa bàn tham gia.

Chị em phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tại địa phương tham gia chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công neo người

Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, trong năm 2023, các cấp hội từ tỉnh đến các cơ sở Hội, đã tổ chức nhiều hoạt động  nhân văn, ý nghĩa: Với hơn 1.000 suất quà, Sổ Tiết kiệm đã được trao cho Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, người có công, nữ thương binh, cán bộ Hội là liệt sỹ, con liệt sỹ, thương binh đang công tác tại cơ quan tỉnh hội và cấp huyện, cơ sở...; các hoạt động ôn lại truyền thống, thăm di tích các nhà tù, trại giam, về nguồn tham quan các Di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cách mạng trên địa bàn tỉnh; tổ chức thắp hương Mẹ Việt Nam Anh hùng do Hội LHPN tỉnh và các cấp Hội phụng dưỡng đã mất, chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa, phối hợp với địa phương, các đơn vị xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà tu sửa nhà cửa cho mẹ Việt Nam Anh hùng neo đơn; trồng hoa, trồng cây tại nghĩa trang, Đài Tưởng niệm liệt sĩ, tham gia thắp nến tri ân, chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sĩ; tổ chức Chương trình “Nấu mâm cơm tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ”, “Nấu mâm cơm tri ân các anh hùng liệt sĩ”, “Bữa cơm nghĩa tình”; sinh hoạt các mô hình câu lạc bộ “Nữ thương binh”, “Nữ thương binh trung hậu, đảm đang”; khám sức khỏe cho các gia đình chính sách; trao tặng các giống cây trồng cho gia đình chính sách; tổ chức gặp mặt con thương binh là cán bộ cơ quan Thường trực Hội LHPN…; nhiều gương nữ thương binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng được đăng tải trên hệ thống thông tin truyền thông của tỉnh và các cấp Hội…

Từ mỗi chương trình, mỗi hoạt động gắn với truyền thống uống nước nhớ nguồn, với đạo lý đền ơn đáp nghĩa của các cấp hội LHPN trên địa bàn Bình Định không chỉ lan tỏa những giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới mà còn góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác người có công.

Trần Huyền