Xã hội
Những thương binh làm kinh tế giỏi ở Sơn Tây
10:18 AM 27/03/2018
(LĐXH) - Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, nhiều thương binh, cựu chiến binh trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã vượt qua khó khăn, tiếp tục xung phong trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập và noi theo.
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến là người CCB, thương binh, đảng viên Nguyễn Xuân Hợp ở thôn Đại Quang, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. CCB Nguyễn Xuân Hợp năm nay đã 65 tuổi, từng tham gia chiến đấu trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại Quảng Trị và chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1975, đất nước độc lập, ông giải ngũ và trở về quê hương làm ăn, sinh sống.
Trang trại nuôi cá đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình thương binh Nguyễn Xuân Hợp (Ảnh minh họa)
Ngày đó, mảnh đất Sơn Đông nơi gia đình ông Hợp sinh sống là vùng đất có nhiều đồng hoang với diện tích rất lớn nhưng độ nhiễm phèn lại cao nên gần như là vùng đất chết bởi không cấy, trồng gì được. Vì thế cuộc sống của người dân nơi đây luôn trong tình cảnh đói nghèo và gia đình ông Hợp cũng không là ngoại lệ. Với tinh thần vượt khó của người lính cụ Hồ, ông đã mạnh dạn vay mượn anh em, họ hàng để đầu tư làm ăn kinh tế, tuy nhiên cũng đã không ít lần ông bị thất bại. Nhưng với tinh thần lạc quan của người cựu chiến binh, ông quan niệm “thất bại là mẹ thành công”, ông đã đứng lên cùng vợ gây dựng lại cơ ngơi, bắt đầu bằng việc nuôi cá. Vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn, ngày đêm chăm lo đàn cá và đi học hỏi thêm kinh nghiệm của những người bạn chiến đấu ở những địa phương khác. Ông cải tạo nguồn nước, chọn giống cá tốt, đa dạng chủng loại và nuôi theo tầng nước kết hợp với mô hình VAC để chủ động thức ăn cho cá. Rồi những nỗ lực của ông cũng được đền đáp, đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Đến nay, mỗi năm, ông Hợp xuất ra thị trường gần 130 tấn cá, đem lại nguồn thu không nhỏ. Không chỉ đầu tư nuôi cá, ông còn mở 10 trại nuôi lợn theo hướng đầu tư hợp tác với nước ngoài, tuân thủ đúng quy trình tiêu chuẩn của đối tác để xuất khẩu tạo đầu ra ổn định và tạo việc làm cho gần 30 lao động trên địa bàn.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hợp còn là hội viên hội cựu chiến binh năng nổ nhiệt tình, là Hội trưởng Hội thanh niên xung phong gương mẫu trong các phong trào hoạt động và là tuyên truyền viên tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Ông đưa ra phương châm mỗi năm giúp đỡ một người lập nghiệp bằng cách cho vay vốn không tính lãi, truyền đạt kinh nghiệm làm kinh tế cho họ đến khi thành công. Với những thành tích và hoạt động tích cực của mình, liên tiếp trong 3 năm (từ năm 2014 đến năm 2016), ông Nguyễn Xuân Hợp được bầu chọn đạt danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu của thành phố Hà Nội.
Hay như CCB Nguyễn Văn Lộc ở xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, từ năm 2006, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và bạn bè, ông đã mạnh dạn thuê 10.000m2 đất bạc màu, đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng mô hình trang trại khép kín. Vượt qua bao khó khăn, từ thiếu vốn, không có kinh nghiệm, giá cả thất thường, sau 10 năm nỗ lực, mô hình trang trại của CCB Nguyễn Văn Lộc đã hoạt động ổn định, thường xuyên có 900 con lợn nái sinh sản và hơn 4.000 con lợn thương phẩm, môi trường bảo đảm. Mỗi năm trang trại của ông Lộc xuất ra thị trường khoảng 21.600 con lợn giống và 440 tấn lợn siêu nạc thương phẩm, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, thu lãi nhiều tỷ đồng. Trang trại của CCB Nguyễn Văn Lộc còn tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động và hơn 50 lao động thời vụ, trong đó phần lớn là con em CCB, các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Có thể nói, những kết quả mà các thương binh, cựu chiến binh thị xã đã đạt được trong những năm qua đã khẳng định vai trò và vị trí của những người lính trên mặt trận mới, dù ở hoàn cảnh nào vẫn luôn năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, hăng hái đi đầu trong bảo vệ ninh trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.
Nguyễn Hiền