Xã hội
Những khó khăn của các cơ sở GDNN thuộc các tổ chức tôn giáo
10:44 AM 05/11/2021
(LĐXH) - Qua tổng hợp báo cáo thống kê của các địa phương, cả nước có 12 cơ sở GDNN thuộc các tổ chức tôn giáo, trong đó có 01 trung tâm dạy nghề thuộc Phật giáo và 11 cơ sở dạy nghề còn lại thuộc Công giáo, tập chung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ... hàng năm, tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho hơn 2.000 người...
Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội 
Nhìn chung, các cơ sở dạy nghề thuộc các tôn giáo đều có tư cách pháp nhân đầy đủ và đều thuộc về tổ chức tôn giáo chứ không phải của cá nhân chức sắc. Các vị chức sắc được tổ chức tôn giáo cử làm người đại diện để lãnh đạo, quản lý và điều hành hoạt động của các cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học tốt đảm bảo yêu cầu; đội ngũ giáo viên, Ban quản lý có trình độ, tâm huyết. Hầu như các Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu… của các Trường, Trung tâm trên đều không nhận lương đồng thời hoạt động với mục đích rõ ràng, trong đó chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, kỹ năng nghề cho học viên...
Theo đánh giá của nhiều cơ quan chức năng thì đa phần địa phương đều tạo điều kiện thuận lợi giúp các cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo thu hút nhiều người đến học tập, góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội, chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động. Đối tượng theo học chủ yếu là con em các gia đình Công giáo nghèo, một số ít là người dân tộc thiểu số của các địa phương. Học viên theo học với nhiều trình độ, lứa tuổi khác nhau. Do vậy, trong bối cảnh các trường nghề khó tuyển sinh như hiện nay thì các trường, trung tâm dạy nghề của tôn giáo vẫn tuyển được nhiều học viên, thậm chí số lượng đăng ký học nghề vượt khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề. Sau khi tốt nghiệp ra trường đa số các học viên đều có việc làm ổn định, mức thu nhập khá, người lao động học từ các cơ sở dạy nghề của tôn giáo được chủ sử dụng lao động đánh giá cao về kỹ năng lao động, trách nhiệm và kỷ luật lao động tốt.
Việc tuyển sinh ở các cơ sở dạy nghề thuộc các tôn giáo đều đạt và vượt chỉ tiêu do các cơ sở dạy nghề này có uy tín đối với giáo dân ở các xứ đạo, có thương hiệu về chất lượng đào tạo (ví dụ như dòng Lassan, dòng Don Bosco đã có thương hiệu ở miền Nam Việt Nam từ thời chế độ cũ và hiện nay cũng đang có uy tín ở nhiều nước trên thế giới). Việc tổ chức đào tạo theo đúng quy định, được tiến hành chuyên nghiệp, bài bản vì những người đứng đầu cơ sở dạy nghề, cán bộ quản lý đều là người được tuyển chọn kỹ lưỡng trong các dòng tu. Họ đều là những người tu hành (linh mục, nam, nữ tu sĩ…) nên họ toàn tâm, toàn ý với công việc.
Mặc dù là trường tư thục, trung tâm tư thục nhưng các cơ sở dạy nghề của tôn giáo đều hướng tới đào tạo đa nghề, kể cả những nghề kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi đầu tư, chi phí lớn (Trường TCN tư thục Tân Tiến có 9 nghề sơ cấp và 7 nghề trung cấp đều là nghề kỹ thuật; Trường TCN Hòa Bình có 9/10 nghề là nghề kỹ thuật, công nghệ). Học sinh học nghề đa dạng về đối tượng, trình độ nhưng phần đông là người theo đạo nên rất ít có những tệ nạn xã hội. Học sinh chăm ngoan, lễ phép, nghiêm túc, có ý thức kỷ luật trong học tập nên doanh nghiệp khi tuyển dụng thường ưu tiên đối tượng người học tại cơ sở dạy nghề của tôn giáo.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các cơ sở GDNN thuộc các tổ chức tôn giáo cũng còn những khó khăn bất cập, đặc biệt là khi thực hiện chủ trương xã hội bởi số lượng cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo còn ít, phân tán, nhỏ bé về quy mô, nghèo nàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị chủ yếu là đào tạo các ngành nghề ngắn hạn, đào tạo các ngành nghề giản đơn; chất lượng giáo viên hạn chế về trình độ kĩ thuật nghiệp vụ và sư phạm. Tiếp đó, cơ sở vật chất để tham gia các hoạt động xã hội hóa dạy nghề còn hạn hẹp, nhiều cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo có ít cơ sở riêng để thực hiện các hoạt động này, thông thường họ phải sử dụng khuôn viên cơ sở thờ tự để thực hiện hoạt động dạy nghề.
Mặc dù đã có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoạt động xã hội hóa dạy nghề, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện các văn bản này đã xuất hiện một số vấn đề bất cập, đặc biệt là khi áp dụng cho đối tượng là tổ chức tôn giáo, thể hiện ở tính thiếu cụ thể, đồng bộ trong các chủ trương đối với việc tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động xã hội hóa dạy nghề. Kinh phí chủ yếu để thực hiện các hoạt động xã hội hóa có được từ sự tự nguyện đóng góp của tổ chức, cá nhân nên nguồn kinh phí này thiếu ổn định.
Các cơ sở dạy nghề của tôn giáo đều đào tạo các nghề kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi đầu tư, chí phí lớn nên khó khăn về kinh phí cho việc nâng cấp trang thiết bị và bảo đảm nguyên liệu thực hành, thực tập. Nguồn đầu tư của các trường chỉ trông chờ vào nguồn của tỉnh dòng, giáo phận hoặc hỗ trợ của giáo dân. Kinh phí thu của người học thấp, nên không bảo đảm chi thường xuyên (mặc dù phần lớn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của các trường là giới tu hành nên đều không nhận lương).
Cơ sở dạy nghề thuộc các tôn giáo gần như chưa được hưởng chính sách xã hội hóa của Nhà nước, chưa tiếp cận được các chính sách về vốn, tín dụng ưu đãi (đất đai, xây dựng cơ sở do các trường tự đầu tư hay do giáo dân hiến tặng…). Các sinh hoạt tôn giáo của các thành viên trong Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu, giáo viên, học viên là người có tôn giáo tại cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, có nơi xây dựng cơ sở sinh hoạt tôn giáo ngay tại khuôn viên của cơ sở, có nơi không có, có nơi được chính quyền tạo điều kiện cho sinh hoạt tại trung tâm, có nới còn gây khó khăn…
Nguyễn Hữu Bắc