Xã hội
Nhìn lại ba năm thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững ở Bến Tre
03:39 PM 04/11/2019
(LĐXH)-Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện, Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Đề án sinh kế) đã đạt được một số kết quả tích cực.
Theo Sở Lao động-TBXH tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có 15.858 hộ nghèo và cận nghèo/61.227 hộ (chiếm 25,9%) đăng ký tham gia Đề án sinh kế. Nhằm điều hành, quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án sinh kế trên địa bàn tỉnh, UBND các cấp từ tỉnh đến xã, phường đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và Ban Hỗ trợ sinh kế, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đơn vị có liên quan.
Trên cơ sở Đề án sinh kế, UBND tỉnh đã ban hành 03 kế hoạch về thực hiện Đề án sinh kế và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo, tổ chức Hội nghị triển khai đến 9/9 huyện, thành phố và 164 xã, phường, thị trấn và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án sinh kế và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo năm 2016, 2017 và 2018 trên địa bàn. BCĐ giảm nghèo tỉnh cũng xây dựng 05 kế hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án sinh kế và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo năm 2016, 2017 và 2018; hướng dẫn điều tra, rà soát và xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ về thực hiện Đề án sinh kế, Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Tổ chức họp mặt, đối thoại trực tiếp với người nghèo, người cận nghèo để nắm bắt tâm tư, nhu cầu cần hỗ trợ của các hộ tham gia Đề án sinh kế và Chương trình khởi nghiệp; đồng thời ban hành văn bản phân công thành viên theo dõi hỗ trợ, kiểm tra giám sát và hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, BCĐ các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh chọn 19 xã làm điểm để tập trung chỉ đạo và rút kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án sinh kế cho các xã khác trên địa bàn. Các sở ngành, đoàn thể có liên quan có xây dựng kế hoạch lồng ghép thực hiện Đề án vào nhiệm vụ của đơn vị. Các Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và phân công các thành viên phụ trách, theo dõi, hỗ trợ thực hiện Đề án sinh kế và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo trên địa bàn.
Tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo phát triển sinh kế thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp
Công tác tuyên truyền nhằm góp phần nâng cao và chuyển đổi nhận thức của người nghèo, người cận nghèo trong việc triển khai thực hiện Đề án sinh kế được được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh xác định là yếu tố quan trọng, tham gia tích cực và phối hợp thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, nhờ đó nhận được sự hưởng ứng của nhân dân, khơi dậy được ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Song song đó, việc hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo phát triển sinh kế còn được Bến tre thực hiện với nhiều nội dung, giải pháp đa dạng, thiết thực. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ các hộ phát triển sinh kế thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo đó, công tác khuyến nông, khuyến ngư đã giúp 8.889 hộ được hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, (trồng trọt là 1.761 hộ, chăn nuôi là 7.128 hộ). Các địa phương phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông cấp huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho 2.855 hộ nghèo, hộ cận nghèo trong sản xuất, chăn nuôi, biết cách tận dụng tối đa diện tích đất để cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập phù hợp với điều kiện của từng hộ và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Tiếp theo là việc xây dựng tổ/nhóm hợp tác liên kết và các mô hình giảm nghèo thông qua việc hình thành các nhóm hộ nghèo và cận nghèo có cùng mô hình và mục đích sản xuất để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và kết nối thị trường. Trong 03 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 113 mô hình nuôi bò, dê, sản xuất cây giống hoa kiểng cho 1.107 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 10.083 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất. Tổng kinh phí thực hiện trên 283.591 triệu đồng, trong đó, có 7.128 lượt hộ vay để chăn nuôi, 1.761 lượt hộ vay để trồng trọt, 963 lượt hộ vay để sản xuất kinh doanh, 931 lượt hộ vay học nghề, 388 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và 129 hộ vay đi làm việc ở nước ngoài, bình quân dư nợ gần 30 triệu đồng/hộ.
Các hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh còn được hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các hoạt động phi nông nghiệp. Toàn tỉnh có 2.836 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ thúc đẩy sản xuất phi nông nghiệp, trong đó có 65 hộ gia đình được hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống tại địa phương như làm chổi cọng dừa, đan giỏ, đan ghế, làm hoa kiểng, dệt thảm… Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cũng tích cực hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ nghèo và cận nghèo. Trong 3 năm qua, đã tuyển sinh và đào tạo được 27.928 người, trong đó có trên 11.171 người nghèo, người cận nghèo học các ngành nghề như cơ khí, điện công nghiệp, lái xe, may công nghiệp, đan lát, kỹ thuật chăn nuôi heo, bò, thủy sản, kỹ thuật trồng cây có múi, trồng nấm v.v.. Nhờ đó đã giúp người lao động, trong đó có người nghèo, người cận nghèo có tay nghề, tìm được việc làm và thu nhập ổn định. Ngoài ra, thông qua hoạt động của sàn giao dịch việc làm và phát huy hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, đã có 129 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giải quyết việc làm.
Thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo, qua 03 năm triển khai, toàn tỉnh có 802 hộ tham gia, trong đó, có 198 hộ sản xuất nông nghiệp, 173 hộ sản xuất phi nông nghiệp và có 431 lao động tham gia khởi nghiệp bằng con đường xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, phối hợp Trường Đại học Maketting tổ chức họp mặt 21 em đã tham gia xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản trở về nước để tư vấn khởi nghiệp làm giàu.
Bên cạnh đó các hoạt động hỗ trợ nói trên, hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Bến Tre còn được hỗ trợ tiếp cận tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch-vệ sinh, nhà ở, tiếp cận thông tin; được hỗ trợ kịp thời các trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng; trợ cấp khó khăn đột xuất và nuôi dưỡng tập trung cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định.
Có thể nói, qua 03 năm triển khai thực hiện Đề án sinh kế, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tỉnh Bến Tre đã có sự chuyển biến, xem công tác phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhờ sự quan tâm quyết liệt và trách nhiệm như vậy mà nhiều hộ nghèo dần chuyển đổi nhận thức và vượt khó vươn lên để thoát nghèo bền vững, đặc biệt đã tự tin trong phát triển sản xuất và tham gia lao động tại thị trường nước ngoài nhiều hơn. Qua rà soát hộ nghèo cuối năm 2018, đã có 8.408 hộ thoát nghèo, trong đó có 5.854 hộ thoát nghèo bền vững theo 03 tiêu chí của Đề án sinh kế (thỏa mãn các nhu cầu cơ bản theo tiêu chí đa chiều; thu nhập tăng và duy trì ở mức trung bình trở lên; thoát nghèo bền vững và không tái nghèo.
Để tập trung thực hiện Đề án sinh kế trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu công tác giảm nghèo theo Nghị quyết đã đề ra, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm của Đề án, Bến Tre sẽ trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền rộng rãi người dân nói chung và người nghèo nói riêng hiểu rõ về mục đích, ý ngĩa của việc thực hiện Đề án sinh kế, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, khơi dậy khát vọng thoát nghèo; đồng thời huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội phê phán tư tưởng dựa dẫm vào chính sách. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh sách, thay thế những hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện tham gia Đề án. Chỉ đạo mạnh mẽ việc mỗi xã thành lập Tổ tư vấn xây dựng sinh kế cấp xã bao gồm cán bộ và những người có kinh nghiệm, có uy tín làm ăn của địa phương để cùng nắm được hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo, vận động, tư vấn, định hướng kế hoạch sinh kế cho hộ tham gia Đề án. Bên cạnh đó, tập trung hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phương châm là lấy nội lực của hộ gia đình làm nền tảng để phát triển bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; khuyến khích người nghèo tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài. Thúc đẩy địa phương phải kết nối với các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn để sử dụng nguồn lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức đánh giá kết quả việc thực hiện Đề án sinh kế tại 19 xã điểm và các mô hình giảm nghèo đã triển khai, qua đó họp mặt, đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo… để kịp thời rút kinh nghiệm những hạn chế và nhân rộng cách làm hay, hiệu quả./.
Mỹ Hạnh