Xã hội
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội – “bệ đỡ” cho người dân Hà Giang thoát nghèo
08:54 AM 16/11/2022
(LĐXH) – Sau 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; từng bước khẳng định vai trò của tín dụng là công cụ, giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 – 2025, toàn tỉnh Hà Giang còn 79.102 hộ nghèo (chiếm 42,08%); trong đó, 7 huyện nghèo tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ từ 48,83% đến 67,96%; số hộ cận nghèo là 24.514 hộ, chiếm tỷ lệ 13,04%. Đạt được kết quả trên chính là nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và của cộng đồng xã hội, sự nỗ lực cố gắng vươn lên của người nghèo, trong đó tín dụng chính sách là một bộ phận quan trọng đối với công tác giảm nghèo bền vững ở Hà Giang. Đặc biệt, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Từ khi tín dụng chính sách đi vào hoạt động đã thực sự là kênh quan trọng tạo sinh kế và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Việc cung cấp tín dụng cho người dân, nhất là người nghèo sản xuất, kinh doanh kết hợp với hướng dẫn cách làm ăn, đã tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng được vay vốn ưu đãi đến các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh Hà Giang.
Gia đình anh Hầu Sáo Vừ, dân tộc Mông ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ đã phát triển chăn nuôi bò sinh sản,
cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách
Đến nay, các chương trình tín dụng ưu đãi đã được thực hiện kịp thời, đúng chế độ chính sách, đảm bảo nguyên tắc quản lý công khai, dân chủ, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến tất cả các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả, Hà Giang đã có 268.682 lượt hộ nghèo, 26.274 lượt hộ cận nghèo, 13.478 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất cải thiện đời sống, thoát nghèo; giúp cho 31.966 lao động được vay vốn tạo việc làm; 2.374 lượt lao động đi xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập ngoại tệ gửi về trả nợ ngân hàng và giúp đỡ gia đình; 14.740 căn nhà ở cho hộ nghèo và 193 căn nhà ở xã hội được xây dựng; trên 15.124 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng được 65.282 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn, góp phần cải thiện môi trường xanh sạch, bảo vệ sức khỏe dân cư tại khu vực nông thôn...
Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Giang đang thực hiện triển khai trên 18 chương trình tín dụng chính sách tại 11 huyện, thành phố, trên 193 xã, phường thị trấn, với 2.071 thôn bản tổ dân phố. Trong đó, riêng đối với Chương trình cho vay hộ nghèo, từ khi nhận bàn giao từ Ngân hàng phục vụ người nghèo với tổng dư nợ 95,3 tỷ đồng, đến nay, sau 20 năm thực hiện, nguồn vốn chương trình được bảo toàn và không ngừng phát triển với tốc độ cao. Việc thực hiện chương trình tín dụng đối với hộ nghèo bằng phương thức trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần động viên và nâng cao được ý thức của cộng đồng cùng có trách nhiệm chung tay giúp đỡ hộ nghèo, giúp cho các hộ nghèo có điều kiện tiếp xúc với dịch vụ tài chính. Thông qua chương trình tập huấn lồng ghép các hộ nghèo tiếp thu được những kiến thức về khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo. Tổng doanh số cho vay là 4.379 tỷ đồng với 268.682 lượt hộ nghèo được vay vốn; tổng doanh số thu nợ là 3.199 tỷ đồng. Dư nợ đến 31/8/2022 là 1.257 tỷ đồng/29.388 hộ còn dư nợ, nợ quá hạn 953 triệu đồng, chiếm 0,07%/dư nợ.
Đối với Chương trình cho vay hộ cận nghèo, được tỉnh Hà Giang thực hiện từ năm 2013 theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Đến nay, nguồn vốn đã đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của hộ cận nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nguy cơ tái nghèo. Kết quả, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang đã thực hiện giải ngân được 1.018 tỷ đồng với 26.274 lượt hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Doanh số thu nợ là 462,8 tỷ đồng. Dư nợ của chương trình đến 31/8/2022 là 555 tỷ đồng/12.979 hộ còn dư nợ; nợ quá hạn 57 triệu đồng, chiếm 0,01%/dư nợ.
Thực hiện Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo (theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ), đến nay, nguồn vốn đã giúp cho hộ mới thoát nghèo ở Hà Giang có vốn để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Kết quả, doanh số cho vay toàn tỉnh đạt gần 600 tỷ đồng với 13.478 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, mức cho vay bình quân 44,4 triệu đồng/1 hộ. Doanh số thu nợ là 242 tỷ đồng. Dư nợ của chương trình đến 31/8/2022 là 357 tỷ đồng/8.115 hộ còn dư nợ. Nợ quá hạn là 3 triệu đồng.
Đối với Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, căn cứ Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 755/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vượt qua đói nghèo, đối tượng được vay vốn là những hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức thu nhập bình quân của hộ nghèo theo quy định hiện hành, có phương thức sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất. Đến nay, tỉnh Hà Giang đã thực hiện giải ngân được 312,9 tỷ đồng với 16.748 lượt hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Doanh số thu nợ là 105 tỷ đồng. Dư nợ đến 31/8/2022 là 207 tỷ đồng/5.317 hộ, số tiền nợ quá hạn 33 triệu đồng, chiếm 0,01% tổng dư nợ.
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã thực sự phát huy hiệu quả giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh qua từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2003 - 2005, toàn tỉnh đã có 13.362 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,93% xuống còn 8,75%; giai đoạn 2006 - 2010, đã có 42.613 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 51,05% xống còn 15,2%; giai đoạn 2011 - 2015, đã có 32.368 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,8% xống còn 18,1%; giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh giảm 39.456 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 18,54%. Thu nhập bình quân đầu người của nhóm hộ nghèo từ 1,25 triệu đồng vào năm 2005 đã tăng lên 9,5 triệu đồng vào năm 2021./.
Trần Minh