Xã hội
Nghệ An: Phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài
03:24 PM 10/07/2023
(LĐXH)- UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 5442/UBND-NC về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2023.
Theo đó, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành làm tốt công tác phòng ngừa, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là tội phạm mua bán người với thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ đi “làm việc nhẹ, lương cao” tại Campuchia, Lào; xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ và phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy trong công tác phòng, chống mua bán người... tại địa bàn cơ sở. Làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài và rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người. 
(ảnh minh họa)
Chỉ đạo lực lượng chức năng quyết liệt triển khai các mặt công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; làm tốt công tác nắm tình hình, phòng ngừa nghiệp vụ, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và không gian mạng; tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người; điều tra, triệt phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, trong đó chú ý các đối tượng liên quan mua bán người qua Lào và Campuchia; triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh.
Kịp thời phát hiện, lên danh sách, đấu tranh, xử lý các tổ chức, đối tượng nghi vấn tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép, có hành vi lôi kéo, lừa gạt người Việt Nam xuất cảnh sang nước ngoài lao động bất hợp pháp... 
Tổ chức rà soát các trường hợp sang nước ngoài (nhất là Lào, Campuchia) làm việc, các trường hợp vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do, nghi bị mua bán; nhất là phụ nữ, trẻ em, người kết hôn với người nước ngoài có nghi vấn, đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa... để có các biện pháp xác minh, đấu tranh, giải cứu. 
Tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng môi giới, dụ dỗ người dân xuất cảnh sang nước ngoài làm việc trái phép, hoạt động lừa đảo, đánh bạc trực tuyến trên không gian mạng; thường xuyên tiến hành tổ chức kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ...), các khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội để chủ động phát hiện, phòng ngừa tội phạm mua bán người… 
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới; triển khai các chương trình, mô hình phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Cùng với đó, chỉ đạo các lực lượng Biên phòng các cấp phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài ở khu vực biên giới. Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển; quản lý cửa khẩu, cảng biển, kiểm soát xuất, nhập cảnh; ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới, biển, hải đảo, tạo thế trận liên hoàn, khép kín từ nội địa đến khu vực biên giới trong đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người… 
UBND tỉnh đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh và các Sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tham mưu, kiến nghị, góp ý các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến mua bán người, trong đó có nội dung liên quan dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Đồng thời quản lý chặt chẽ, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài, cho, nhận con nuôi nhằm chủ động phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người. Làm tốt công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân bị mua bán. Phối hợp với các sở, ngành điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, tổng hợp vào báo cáo theo dõi thi hành pháp luật hàng năm, gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định. 
Sở TT&TT phối hợp, chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người, nhất là tuyên truyền phòng, chống mua bán người sang các đặc khu do người Trung Quốc quản lý tại Campuchia và Lào để hoạt động lừa đảo trên không gian mạng hoặc đánh bạc trực tuyến, trong đó tập trung tuyên truyền về các dấu hiệu nhận biết, phương thức, thủ đoạn lừa gạt, lôi kéo của các đường dây đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động bất hợp pháp để nâng cao cảnh giác của người dân…
UBND tỉnh đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật phòng, chống mua bán người và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng; nhân rộng mô hình công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng để góp phần ổn định cuộc sống, ổn định thu nhập, giảm nguy cơ, rủi ro mua bán người... 
Sở LĐTB&XH lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội và quảng bá rộng rãi số điện thoại của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, đồng thời là đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111); hướng dẫn, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về (nếu có). 
Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác giới thiệu việc làm, đưa người lao động Việt Nam (người Nghệ An) đi làm việc ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (tỉnh Nghệ An),... để góp phần chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người…/.
Hồng Hà