Giáo dục - Nghề nghiệp
Nên giữ ổn định thi THPT Quốc gia
02:19 PM 18/09/2017
“Không nên năm nào cũng thay đổi thi cử, làm như vậy học sinh sẽ hoang mang, xã hội bất ổn. Nếu muốn thay đổi thì Bộ GD&ĐT hãy nghiên cứu thật kỹ rồi đưa ra lộ trình để áp dụng, có như vậy mới thuận lòng dân”.
Đó là ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, phụ huynh và học sinh sau khi có thông tin Bộ GD&ĐT đưa ra hai phương án bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT QG 2018 để lãnh đạo các trường đại học chọn lựa.
Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên bài thi tổ hợp như năm 2017 (gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Phương án thứ hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của ba môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017).
Em Nguyễn Văn Thành, học sinh lớp 12 một trường THPT tại TPHCM nói đã rất sốc khi nghe tin Bộ GD&ĐT đang có ý định thay đổi phương án thi. Thành cho biết, trong năm học trước, ngay khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT QG 2017, không chỉ các anh chị lớp 12 bị thay đổi thời khóa biểu dạy và học mà ngay các học sinh khối lớp 11 cũng phải thay đổi để thích nghi cho mùa thi năm sau. “Vậy mà giờ Bộ lại có ý định thay đổi, bắt thầy và trò chúng em phải chạy theo. Quả thật chúng em đang rất hoang mang”, Thành nói.
Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017
Thành cũng cho biết, gia đình em cũng hiểu cảm giác vừa học vừa ngóng Bộ GD&ĐT thay đổi cách thi bởi trước đó năm 2015 (năm đầu tiên thi THPTQG, bỏ 2 kỳ thi độc lập là 3 chung và tốt nghiệp THPT), chị gái Thành cũng là “nạn nhân” của kỳ thi THPT QG, nhưng may mắn là đã vượt qua kỳ thi và đỗ vào một trường ĐH. “Tuy nhiên, tâm lý hoang mang, áp lực đã đeo đuổi chị gái và gia đình em trong suốt mấy tháng trước kỳ thi quan trọng này khiến ai cũng mệt mỏi”, Thành nhớ lại.
Chị Hoàng Thị Mai, phụ huynh có con đang học lớp 12 tại TPHCM cũng chia sẻ cảm giác lo lắng và băn khoăn không biết phải động viên con thế nào bởi năm nào cũng thay đổi thi cử. “Tổng kết mùa thi nào Bộ GD&ĐT cũng nói kỳ thi an toàn, nghiêm túc, vậy mà năm sau lại thay đổi xoành xoạch thì làm sao thầy cô, học sinh và phụ huynh chúng tôi bắt kịp được. Bộ không nên năm nào cũng thay đổi thi cử, làm như vậy học sinh sẽ hoang mang, xã hội bất ổn, nếu muốn thay đổi thì Bộ GD&ĐT hãy nghiên cứu thật kỹ rồi đưa ra lộ trình áp dụng, có như vậy mới thuận lòng dân” chị Mai nói.
Nên giữ ổn định
Trước 2 phương án thi THPT QG 2018 của Bộ GD&ĐT, PGS- TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, Bộ GD&ĐT nên giữ ổn định như kỳ thi năm 2017. “Tôi ủng hộ phương án giữ lại bài thi tổ hợp như năm 2017 vì học sinh đã quen rồi. Tuy nhiên, với phương án này thì nên điều chỉnh lại cấu trúc đề thi, tăng độ khó của đề để hạn chế điểm tuyệt đối là được”, ông Dũng đề xuất.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn, Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng cho rằng, năm 2018, Bộ GD&ĐT nên giữ ổn định kỳ thi như 2017 và tăng độ phân hóa đề thi. Ông Sơn cũng nói thêm: “Song song với việc công bố phương án thi năm 2018, Bộ cần công bố luôn lộ trình, phương án thi của những năm sau đó để nhà trường, học sinh và phụ huynh có thời gian chuẩn bị, thích nghi chứ không bị sốc như những lần thay đổi gần đây”.
Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú cho rằng: “Trong 2 phương án thì phương án 2 (mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của ba môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017- PV) nghe có vẻ hợp lý và phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, áp dụng ngay trong năm 2018 thì không nên vì nó sẽ gây xáo trộn việc dạy và học khiến xã hội rối lên”.
Ông Độ dẫn chứng, nếu Bộ GD&ĐT quyết định chọn phương án 2 thì nhà trường phải thay đổi lại lịch dạy và học. Cụ thể với học sinh khối B, trường sẽ phải tăng thêm thời lượng môn Lý, còn khối A, trường sẽ phải tăng thêm thời lượng môn Sinh. Như thế, cả thầy cô và học sinh sẽ trở tay không kịp”, ông Độ nói và cho rằng hiện tại các trường vẫn đang trong trạng thái vừa làm vừa nghe ngóng...
Theo ông Độ: “Tốt nhất nên giữ phương án thi năm 2018 như 2017 đồng thời khắc phục 2 yếu tố gồm nâng cao chất lượng đề thi và hạn chế sự chênh lệch điểm ưu tiên giữa các đối tượng bằng cách giảm xuống 1 điểm nữa như hiện tại là được”.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng nên giữ như năm 2017 để làm cho tốt còn đổi mới  tính sau. Đổi mới nhiều quá phụ huynh, học sinh sẽ hoang mang.
“Thứ nhất, trong thi cử cần ổn định. Nội dung nào không cần thiết thì không nên thay đổi. Thứ hai, thi tổ hợp về mặt ra đề, chấm hoàn toàn không khó khăn nhưng về mặt tâm lý của học sinh, giáo viên họ phải luyện theo quy định của Bộ GD&ĐT” – thầy Tùng Lâm chia sẻ.
Điều quan trọng theo thầy Nguyễn Tùng Lâm đó là khi bài thi tổ hợp chấm còn một đầu điểm thì không thể hiện được điểm cụ thể như thế nào. Các môn học riêng lẻ thì phải có điểm chấm riêng để còn rõ trách nhiệm của thầy và trò.
“Quy trách nhiệm cho giáo viên quan trọng lắm, nếu cứ để chung chung, hòa cả làng như thế thì không rõ trách nhiệm đến đâu, rất khó đánh giá. Tôi đề nghị giữ  như năm 2017, không đổi mới, điều chỉnh gì nữa” – thầy Tùng Lâm đề xuất.  

Đại diện một Sở GD&ĐT miền núi phía Bắc cho biết nếu Bộ GD&ĐT điều chỉnh bài thi tổ hợp thì sẽ có hướng chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng quan trọng nhất bây giờ là liên quan đến các trường ĐH, họ cũng phải thay đổi cách tuyển sinh.  “Tất nhiên phải có đổi mới để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng đổi mới phải có lộ trình, phải có sự ổn định để còn kịp chuẩn bị” – vị đại diện cho hay. 

Theo tienphong.vn