Giáo dục - Nghề nghiệp
Đắk Nông nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
07:15 PM 23/04/2024
(LĐXH) - Là địa phương còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm công tác giáo dục nghề nghiệp thông qua việc khai đồng bộ các biện pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có 15 cơ sở (đơn vị) tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm: 06 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (là: Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam và 04 Trung tâm GDNN đào tạo lái xe ô tô); 07 đơn vị có chức năng hoạt động giáo dục nghề nghiệp (Trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện) và 02 đơn vị (Trường trung cấp Trường Sơn và Công ty TNHN Vũ Nguyên Bio là cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh khác) đăng ký bổ sung hoạt động GDNN tại tỉnh Đắk Nông. Như vậy, về cơ bản mạng lưới cơ sở GDNN đã tinh gọn và hoàn thiện  phủ khắp các huyện, thành phố và nâng cao cả về mặt số lượng, chất lượng, quy mô, đa dạng hóa ngành, nghề, trình độ đào tạo và loại hình đào tạo.
Trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 8.491 người, đạt 212,27% kế hoạch năm, bằng 147,25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 10 người trình độ cao đẳng, 270  người trình độ trung cấp, 8.211 người trình độ sơ cấp. Sở LĐTBXH đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh đào tạo đối với trình độ trung cấp, cao đẳng; hoàn thành công tác tốt nghiệp đối với đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng để đảm bảo đạt chỉ tiêu đào tạo nghề nghiệp.
Đồng thời tổ chức Hội nghị tư vấn tuyển sinh, phân luồng giáo dục nghề nghiệp; Ngày Hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; Hành trình tư vấn tuyển sinh 09 đợt; Tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức hỗ trợ khởi nghiệp với 360 học sinh, sinh viên tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia; Tọa đàm 06 chuyên đề về định hướng phân luồng học sinh sau THCS và THPT, giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm, phát triển nguồn nhân lực gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; ban hành Kế hoạch về việc tổ chức mở lớp tập huấn kiến thức chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp và đã tổ chức 02 lớp tập huấn tại thành phố Gia Nghĩa và huyện Đăk Mil với 109 người tham dự.
Ngoài ra, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Kế hoạch của UBND tỉnh Đắk Nông về việc triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh .
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; tiến độ giải ngân còn chậm. Các Trung tâm GDNN- GDTX cấp huyện không phải là đối tượng được thụ hưởng của 03 Chương trình MTQG nên chưa thực hiện đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây dựng một số hạng mục  và mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Thêm vào đó, chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới. Công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng, chưa tạo cơ hội và khuyến khích người lao động tham gia học tập suốt đời.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, là trọng tâm đột phá của Đắk Nông giai đoạn tới. Do vậy, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững. Sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối, nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả hoạt động. Tăng cường cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo tại mỗi đơn vị. Sát nhập, giải thể các đơn vị hoạt động kém hiệu quả.
Đồng thời tập trung đầu tư các đơn vị có năng lực tốt hơn, có ngành nghề đào tạo phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực; hướng đến chuẩn quốc gia, quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và trên thế giới ở một số ngành nghề yêu cầu lực lượng lao động có chất lượng cao. Tiếp tục bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng, tham gia các Hội thảo khoa học về chuyển đổi số, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động giảng dạy để từng bước nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa tỉnh. Tập trung đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa. Tăng cường truyền thông tư vấn hướng nghiệp, đào tạo gắn với giải quyết việc làm./.
Hồng Phượng