Xã hội
Mô hình công tác xã hội trợ giúp người khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An
09:59 AM 16/10/2020
(LĐXH) Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) là đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) khép kín, toàn diện cả về thể chất và tinh thần nhằm phát huy khả năng còn lại và khắc phục những khó khăn do tình trạng khuyết tật, giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) được thành lập năm 1976 tọa lạc tại xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội. Trung tâm là đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng  (PHCN) khép kín, toàn diện cả về thể chất và tinh thần, kết hợp chặt chẽ giữa phục (PHCN về y học, giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập, hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất và công tác xã hội (CTXH)... trợ giúp người khuyết tật (NKT), nhằm phát huy khả năng còn lại và khắc phục những khó khăn do tình trạng khuyết tật, giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trung tâm có 8 phòng, khoa chuyên môn gồm: Phòng khám chuyên khoa PHCN; Phòng PHCN: Khoa Dược - Cận lâm sàng; Phòng Nghiệp vụ CTXH: Phòng Hướng nghiệp dạy nghề: Khoa Can thiệp trẻ tự kỷ; Khoa Giáo dục đặc biệt: Xưởng sản xuất dụng cụ trợ giúp và 3 phòng gián tiếp với tổng số 95 cán bộ, viên chức, người lao động.
Số NKT thường xuyên PHCN tại Trung tâm là 260 người với các dạng tật: Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; tự kỷ và các dạng khuyết tật khác, đa tật.
Trải qua 44 năm hoạt động, đã có trên 11 ngàn trẻ em khuyết tật được khám, tư vấn; trên 3 nghìn em được PHCN tại Trung tâm; trên 200 người sau khi PHCN tại Trung tâm đã có thể làm việc tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp; trên 30 người đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học, một số em đã tốt nghiệp thạc sỹ, 1 người làm nghiên cứu sinh tiến sỹ ở Úc. Đặc biệt, em Trần Thị Bích Thủy sau khi được khám, tư vấn, PHCN tại Trung tâm đã tốt nghiệp 2 bằng đại học, hiện đang công tác tại Bệnh viện Wincom; đạt 2 huy chương vàng tại giải thể thao dành cho người khuyết tật châu Á (Paragame)...
Các dịch vụ trợ giúp NKT tại Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An bao gồm PHCN toàn diện thông qua PHCN thể chất (y học) và PHCN tinh thần (tâm lý, giáo dục). Việc PHCN được thực hiện bằng các phương pháp: Vận động trị liệu; vật lý trị liệu; phẫu thuật chỉnh hình; dụng cụ trợ giúp; điều dưỡng, phục hồi sức khỏe; hoạt động trị liệu; ngôn ngữ trị liệu; tư vấn, tham vấn; giáo dục đặc biệt; giáo dục hòa nhập; hướng nghiệp dạy nghề; trợ giúp pháp lý.
Bác sỹ Trần Văn Lý khám cho trẻ em khuyết tật
Về công tác tư vấn, tham vấn trợ giúp trẻ và gia đình, thông qua các Sở LĐTBXH của các tỉnh, thành phố hoặc gia đình đưa trẻ đến Trung tâm, đội ngũ bác sỹ, giáo viên và nhân viên CTXH đã tổ chức khám, tư vấn cho khoảng 500 bệnh nhân khuyết tật và gia đình. Sau khi khám, đánh giá về tình hình, mức độ khuyết tật của trẻ, nhân viên CTXH và các bác sỹ, giáo viên tư vấn để trẻ và gia đình lựa chọn sử dụng dịch vụ phù hợp với tình trạng khuyết tật và điều kiện của họ.
Về dịch vụ trợ giúp, PHCN thể chất và tinh thần, với đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên được đào tạo chuyên sâu ở trong nước và nước ngoài, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc, nuôi dưỡng và PHCN áp dụng các phương pháp kỹ thuật PHCN hiện đại của thế giới và trong nước với tinh thần phục vụ ân cần đầy tình thương và trách nhiệm. Trung tâm được trang bị đầy đủ trang thiết bị PHCN, phòng điều trị và PHCN rộng rãi, thoáng mát, phụ hợp với NKT.
NKT được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, khoa học, chế độ ăn uống đáp ứng đủ năng lượng, giúp họ tham gia các hoạt động PHCN đạt hiệu quả tốt. Chế độ ăn phù hợp với tình trạng của từng người và thực đơn được thay đổi thường xuyên. Đối với NKT nặng, đội ngũ điều dưỡng, nhân viên chăm sóc như người mẹ, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm, giặt cho những người con thân yêu của mình... NKT luôn được bảo đảm về sức khỏe, vệ sinh sạch sẽ, ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.
Sau khi tiếp nhận trẻ vào Trung tâm, tổ CTXH tiếp xúc với trẻ, xác định khả năng của từng trẻ để đưa các em vào các lớp học phù hợp. Căn cứ vào dạng tật, mức độ khuyết tật, đội ngũ nhân viên CTXH tư vấn cho trẻ, tham vấn với giáo viên để trẻ được hưởng các dịch vụ PHCN về tinh thần phù hợp. Khoa Giáo dục đặc biệt của Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ dạy văn hóa đến lớp 5 cho trẻ khiếm thính; dạy văn hóa, chức năng sinh hoạt cho trẻ chậm phát triển trí tuệ; can thiệp cho trẻ tự kỷ. Tổng số đã có gần 200 học sinh đã tham gia các lớp học chuyên biệt tại Trung tâm.
Một số trẻ em PHCN tại Trung tâm ở dạng khuyết tật vận động, có thể đi lại được và nhận thức tương đối tốt, Trung tâm tư vấn và kết nối để trẻ được học hòa nhập tại các trường phổ thông trên địa bàn từ tiểu học đến THPT; khuyến khích và tạo điều kiện để các em tiếp tục học nếu thi đỗ đại học. Hiện tại Trung tâm có 15 em đang học hòa nhập, 5 em học đại học.
Trung tâm PHCN NKT Thụy An là một trong rất ít cơ sở công lập cung cấp dịch vụ can thiệp cho trẻ tự kỷ. Khoa Can thiệp trẻ tự kỷ của Trung tâm sử dụng các phương pháp tâm lý, giáo dục để can thiệp hành vi, ngôn ngữ và dạy kỹ năng cho hơn 80 trẻ. Ngoài ra, Trung tâm còn kết hợp các liệu pháp y học như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... hay hoạt động trị liệu để điều trị cho trẻ tự kỷ. Hiện Trung tâm cung cấp cả dịch vụ can thiệp cá nhân và nhóm cho trẻ tự kỷ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là một số trẻ tự kỷ lớn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhiều gia đình có con tự kỷ.
Phòng Hướng nghiệp, dạy nghề của Trung tâm đang hướng nghiệp và dạy 8 nghề cho trên 72 nghìn NKT như: Nghề may, làm tranh đá quý, đồ handmade, tranh bút lửa, hoa lụa, làm hương thơm, dạy nấu ăn và tin học.
Nhân viên CTXH và giáo viên Trung tâm tiến hành đánh giá khả năng, sở trường, năng khiếu và sở thích của từng học sinh để tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho phù hợp; đồng thời kết nối nguồn lực hỗ trợ công tác dạy nghề cho NKT. Trong những năm qua, Trung tâm đã kết nối được nhiều nguồn lực hỗ trợ công tác dạy nghề cho các em. Sau khi trẻ được học nghề, đội ngũ nhân viên CTXH hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho các em. Nhiều em đã tìm được việc làm, có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng qua sự hỗ trợ của Trung tâm. Đơn vị cũng đã kết nối để tiêu thụ sản phẩm do học sinh của Trung tâm làm ra trong quá trình dạy nghề, phối hợp với Hệ thống siêu thị Lan Chi Mark và một số cơ sở tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm để giới thiệu và bán sản phẩm do học sinh khuyết tật làm ra.
Trẻ em khuyết tật có đặc điểm tâm lý khá phức tạp, hơn nữa, trẻ sống nội trú trong Trung tâm không có sự quản lý của cha mẹ nên có thể nảy sinh vấn đề về đạo đức, lối sống, tình cảm... Do đó, đội ngũ làm CTXH luôn sâu sát, nắm bắt kịp thời và thực hiện tham vấn, tư vấn cá nhân, nhóm để giải quyết vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, tạo môi trường hòa đồng, chia sẻ đối với từng trẻ sống trong Trung tâm; Tổ chức tư vấn cá nhân, nhóm về kỹ năng sống, giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực, tai nạn rủi ro, xâm hại tình dục cho các nhóm trẻ khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ... với tổng số khoảng gần 100 trẻ mỗi năm. Đội ngũ nhân viên CTXH của Trung tâm còn thực hiện tốt việc hỗ trợ trẻ phát huy những sở trường và khả năng còn lại của trẻ. Có thể kể đến trường hợp em Nguyễn Anh T bị bại não, liệt hoàn toàn 2 tay, sau quá trình PHCN tại Trung tâm, em đã học hết lớp 8, tất cả các hoạt động hàng ngày em đều có thể tự phục vụ, sử dụng đôi chân rất thành thục. Em có thể thổi sáo, chơi cờ tướng, cờ vua... Em T còn làm được nhiều bài thơ hay, có thể đánh máy, sử dụng chuột máy tính rất thành thạo bằng các ngón chân.
Hàng năm, Trung tâm thường tổ chức cho học sinh khuyết tật tham gia các liên hoan, hội diễn nghệ thuật do Trung ương Hội khuyến học, Thành đoàn Hà Nội và nhiều đơn vị tổ chức, tham gia nhiều chương trình truyền hình trực tiếp do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện; đưa các em đi tham quan các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tổ chức cho các em thi đấu thể thao... Những hoạt động đó giúp các em có cơ hội tiếp cận môi trường để tự tin hơn trong giao tiếp, phát triển kỹ năng xã hội...
Ngoài việc kết nối trong PHCN, giáo dục, dạy nghề, nhân viên CTXH của Trung tâm còn kết nối với nhiều lĩnh vực trong xã hội để hỗ trợ toàn diện cho trẻ em khuyết tật; Kết nối với các tổ chức phi chính phủ để tiếp nhận chuyên gia, tình nguyện viên có chuyên môn trong lĩnh vực PHCN, giáo dục đặc biệt để hỗ trợ trực tiếp cho trẻ và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên của Trung tâm. Mỗi năm, Trung tâm đều tiếp nhận trên 100 tình nguyện viên đến từ Anh, Mỹ, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... đến làm việc, hỗ trợ về chuyên môn. Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức 80 - 90 cuộc giao lưu với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Qua các hoạt động này, NKT đã nhận được sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, giúp các cháu tích cực hơn trong học tập, PHCN.
Cán bộ CTXH của Trung tâm còn trợ giúp, tư vấn về pháp lý để NKT được hưởng các chính sách liên quan như: Chế độ trợ cấp hàng tháng, chính sách giáo dục, bảo hiểm, việc làm... và tham gia xây dựng chính sách đối với NKT, nghề CTXH như: Tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng Luật CTXH, xây dựng các nghị định, thông tư liên quan đến chế độ, chính sách của NKT.
Để công tác PHCN cho NKT đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm, gia đình và cộng đồng. Chính vì vậy, Trung tâm rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí và tầm quan trọng của các hoạt động trợ giúp đối với NKT thông qua các hoạt động giao lưu, các buổi tập huấn, khám tuyển, tư vấn cộng đồng. Chính vì vậy, những năm gần đây số NKT và gia đình họ biết đến Trung tâm nhiều hơn, các hoạt động giao lưu, thiện nguyện của các cá nhân và tổ chức gia tăng về số lượng, ngày càng qui mô và chuyên nghiệp hơn. Điều đó khẳng định thêm vai trò của CTXH cũng như uy tín, chất lượng dịch vụ của Trung tâm PHCN NKT Thụy An.
Thảo Lan