Xã hội
Long An phấn đấu mỗi năm giảm 10% tổng số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều
09:18 AM 12/10/2021
(LĐXH)- Tỉnh Long An đặt mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 10% tổng số hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều; đảm bảo 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định...
Ngày 8/10/2021, UBND tỉnh Long An ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, bình quân mỗi năm giảm 10% tổng số hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều. Đưa công tác giảm nghèo bền vững vào trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định; đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.
Các loại hoa màu như khóm, khoai mỡ, chanh không hạt... đã giúp nhiều hộ dân huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) vươn lên thoát nghèo
Để đạt mục tiêu trên, Long An đề ra giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo bền vững, xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công tác giảm nghèo bền vững là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 -  2030 của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh, huyện đến xã.
Triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng sâu, vùng xa của tỉnh; tập trung đầu tư và kết nối đến các địa phương nghèo; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin... khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng, từ đó từng bước tạo nguồn thu nhập cho các hộ nghèo để nâng cao đời sống của người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác giảm nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết “tương thân, tương ái” của dân tộc đối với người nghèo. Động viên, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua“Long An chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khuyến khích hộ nghèo vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no”.
Tỉnh chú trọng thực hiện Chương trình giảm 10% số hộ nghèo theo từng năm, đảm bảo mỗi hộ nghèo khi đăng ký thoát nghèo theo chương trình đều được hỗ trợ kinh phí phù hợp với nhu cầu gắn với điều kiện ràng buộc cụ thể. Tăng cường tín dụng chính sách cho người nghèo; lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng xã hội.
Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn, trong đó, chú trọng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết phát triển đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ, khuyến khích các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, ưu tiên những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng, từng bước tạo nguồn thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để nâng cao mức sống ở mức bằng hoặc cao hơn bình quân chung cả nước.
Đồng thời, sử dụng hiệu quả, kịp thời nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và bố trí thêm nguồn vốn địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng mô hình giảm nghèo của tỉnh; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huy động nguồn vốn từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh: kêu gọi, vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thông qua các phong trào, cuộc vận động “Tháng hành động vì người nghèo” và chung tay ủng hộ Quỹ vì người nghèo. Huy động thêm sự đóng góp của người dân cùng góp vốn thực hiện các mô hình giảm nghèo nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo…

Chí Tâm