Lao động
Lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm
11:46 AM 23/10/2020
(LĐXH) - Ngày 22/10/2020, tại TP.HCM, Cục Việc làm – Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của dịch vụ việc làm.

Ông Nguyễn Văn Bình- Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình- Cục trưởng Cục Việc làm- Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: Mục đích của  Hội thảo là nhằm lấy ý kiến đóng góp để khi Nghị định được ban hành sẽ thực sự mang lại nền tảng giúp hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL),  doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng lao động phát triển hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới. Đồng thời, hội thảo cũng lấy ý kiến đóng góp, cần làm thế nào để các giao dịch của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực DVVL ngày thêm minh bạch, rõ ràng. Vai trò của nhà nước với những cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy dịch vụ cung ứng lao động, giới thiệu việc làm. Việc tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của những đơn vị, doanh nghiệp cung ứng lao động có quản trị doanh doanh nghiệp tốt để toàn xã hội được biết. Đồng thời, nhà nước có cơ chế quản lý, kiểm soát doanh nghiệp nào không làm đúng pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động,… Trên cơ sở đó, Cục trưởng Cục Việc làm mong muốn, các đại biểu thẳng thắn đóng góp những vấn đề đang còn vướng mắc hiện nay để xây dựng một Nghị định phù hợp với thực tế, đúng theo tinh thần của Đảng, nhà nước và Chính phủ.


Theo đại diện Cục Việc làm, kết cấu cơ bản của dự thảo Nghị định gồm, 3 phần. Phần 1, Căn cứ pháp lý xây dựng dự thảo Nghị định; phần 2, Thực trạng tổ chức và hoạt động tổ chức dịch vụ việc làm từ năm 2015 tới nay; phần 3, Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định,… Về nội dung cơ bản dựa trên quan điểm kế thừa từ các quy định hiện hành, có sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định của các Luật Việc làm và Luật mới được Quốc hội thông qua năm 2019-2020 (Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Viên chức năm 2019).

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến về quy định nhân sự, tại Điều 3, dự thảo Nghị định. Cụ thể, khoản đ Điều 3, quy định: Điều kiện thành lập Trung tâm DVVL tối thiểu có ít nhất 15 người làm việc có trình độ từ cao đẳng trở lên và người lãnh đạo điều hành Trung tâm DVVL phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động, việc làm. Theo nhiều đại biểu theo quy định sẽ khó với một số địa phương. Nên chăng chỉ cần quy định là, có 15 người, có trình độ cao đẳng trở lên là đủ.

Ông Tào Bằng Huy phát biểu tại Hội thảo

Trong phần nhiện vụ của Trung tâm DVVL được quy định ở Điều 7, các đại biểu quan tâm đến khoản: 4, 5, 7. Cụ thể, các đại biểu quan tâm và đóng góp nhiều ý kến về nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin thị trường lao động, phân tích thị trường lao động và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm, đào tạo kỹ năng và giáo dục nghề nghiệp khác theo quy định của pháp luật cho người lao động. Hay một điểm mới trong Nghị định này được quy định ở khoản 10 Điều 7: Tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện Điều ước quốc tế, thỏa thuân quốc tế theo quy định của pháp luật khi được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP.HCM phát biểu

Đại diện Sở lĐ - TBXH tỉnh Trà Vinh chia sẻ tải hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP.HCM cho rằng, đồng ý với những đóng góp của các đại biểu về số lượng nhân sự của Trung tâm DVVL, quy định ở Điều 3 của dự thảo. Tuy nhiên, theo ông cần có những đặc điểm cho các địa phương khác nhau, có thể tăng thêm số lượng nhân sự. Nhưng đây là số lượng người chứ không phải số vị trí việc làm. Bởi vì mỗi vị trí việc làm có thể số lượng người làm việc khác nhau. Ông Tứ đưa ra thêm ý kiến, trong hoạt động Trung tâm DVVL do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, bảo đảm về kinh phí hoạt động, tức nguồn lương được hưởng từ ngân sách, như vậy những nhân sự của Trung tâm này phải được xem là viên chức. Đặc biệt, sau khi đề án việc làm được xây dựng, thì cơ quan thẩm quyền xét duyệt tức phải thông qua vị trí nhân viên của các Trung tâm DVVL.  

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định

Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Tào Bằng Huy – Phó Cục trưởng Cục Việc làm đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu. Ông Huy cho rằng, trong đó có nhiều ý kiến đóng góp về phần nhiệm vụ của Trung tâm DVVL. Trong đó, có phần thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động; phân tích và dự báo thị trường lao động; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm, đào tạo kỹ năng và giáo dục nghề nghiệp khác theo quy định của pháp luật,… Về cơ cấu tổ chức, theo ông Huy, không nhất thiết phải quy định có ít nhất 15 người và có 3 phòng. Nhưng ít nhất là phải có các phòng đáp ứng được 3 nhiệm vụ chính: Thông tin thị trường lao động,…; Tư vấn giới thiệu việc làm; Thực hiện chức năng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, còn các chức năng khác theo ông Huy tùy theo nhu cầu của từng địa phương khác nhau. Bên cạnh đó, ông Huy cũng chia sẻ thêm về một điểm mới của dự thảo Nghị định lần  này mà trong Luật trước đây chưa đưa vào. Đó là phần, thực hiện chức năng đưa người lao động đi làm việc ngắn hạn, thời vụ ở nước ngoài theo các thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương với nhau.

Đăng Hải