Xã hội
Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
11:29 AM 05/11/2018
(LĐXH) Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cùng các tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội luôn dành mọi điều kiện tốt nhất để cho trẻ em vui chơi và phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh. Nhờ đó, tình hình tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em đã giảm đáng kể, nhận thức người dân ngày càng được nâng cao.
Lâm Đồng tích cực đẩy mạnh các giải pháp công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh

Trên cơ sở Luật Trẻ em năm 2016, ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2016 – 2020. Tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp tổ chức triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn. Cụ thể là UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2689/KH-UBND ngày 20/05/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 -2020. Căn cứ Kế hoạch 2689, các Sở ngành địa phương đã chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.

  Trong hai năm 2016-2017, triển khai Kế hoạch số 2689/KH-UBND, Sở Lao động-TB&XH tỉnh Lâm Đồng đã phối hơp với các ngành, địa phương thực hiện lồng ghép, đa dạng hóa hình thức truyền thông đến từng địa bàn, đối tượng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về tầm quan trọng trong vấn đề phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, ngành Lao động-TB&XH còn phối hợp với các đơn vị có liên quan phát động phong trào học bơi, dạy bơi trên toàn tỉnh, đặc biệt là tại một số địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao. Năm 2016  Sở đã tổ chức 6 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa biết bơi (kinh phí 150 triệu đồng). Thông qua chương trình này, nhiều đối tượng nhất là các bậc cha mẹ và học sinh được tham gia học tập và trao đổi kinh nghiệm cũng như các biện pháp phòng tránh và giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước. Năm 2017, thực hiện Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng về kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 02 lớp tập huấn triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước; nội dung cụ thể như: kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em; phương pháp cứu đuối và sơ cấp cứu cho cán bộ làm công tác thể dục, thể thao cấp huyện, xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện có 12 hồ bơi, tại các hồ bơi, trong mùa hè có trên 500 trẻ em của các gia đình tại địa phương tham gia các lớp học bơi, có sự hướng dẫn của giáo viên thể dục thể thao được đào tạo về dạy bơi, nguồn kinh phí chủ yếu là do cha, mẹ trẻ em hỗ trợ. Ngoài ra, còn có một số Nhà hảo tâm hỗ trợ, hoặc một số hồ bơi dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của địa phương.

Lãnh đạo các cấp và chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn

Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với ngành Công an, Văn hóa-Thể thao và Du Lịch, trường Đại học Đà Lạt (Khoa công tác xã hội) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm trang bị kiến thức kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn giao thông cho trẻ em; sơ cứu, kỹ thuật cứu đuối cho cộng tác viên, tình nguyện viên thôn bản. Thông qua đó tuyên truyền phổ biến Luật An toàn giao thông, Luật Trẻ em, các phương pháp và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.  Ngoài ra, hàng năm Sở còn phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền,  biên soạn, nhân bản và cung cấp các sản phẩm truyền thông, như: tranh gấp, tờ rơi, băng đĩa… ; phối hợp với Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh biên tập CD, DVD, phim hoạt hình, thông điệp, phóng sự, …  gắn với các hoạt động với những nội dung chuyển tải thật ngắn gọn, sinh động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thức cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ xã hội, cho cộng đồng và người dân trên địa bàn toàn tỉnh trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em với tổng kinh phí thực hiện cho các nội dung trên 290 triệu đồng.

Sở Lao động-TB&XH còn phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể để chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai thực hiện mô hình “xây dựng cộng đồng an toàn”. Trên địa bàn toàn tỉnh, các địa phương đã lồng ghép xây dựng thí điểm các mô hình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em; các xã, phường, thị trấn cam kết thực hiện tiêu chuẩn xã phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Thông tư số 25/2014/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2014 của Bộ Lao động-TB&XH về Hướng dẫn trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đồng thời, thực hiện tốt môi trường gia đình an toàn; Cộng đồng an toàn, Trường học an toàn, Khu Du lịch an toàn phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em …nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các bậc cha mẹ, giáo viên và học sinh trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Phối hợp với các Sở, ban, ngành, Mặt trận đoàn thể lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em vào các chương trình chương trình kiểm tra, giám sát tại địa phương, các khu vui chơi giai trí, điểm du lịch, …Thông tin báo cáo, các địa phương thực hiện báo cáo định kỳ, thường hay báo cáo đột xuất về trẻ em bị tai nạn, thương tích, đặc biệt trẻ em bị đuối nước. Thông qua đó, Sở Lao động-TB&XH kịp thời có hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác về chính sách hỗ trợ cho trẻ em bị tai nạn, thương tích.

Tăng quà cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có hàng chục nghìn trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết bơi và có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tình hình tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em đã từng bước giảm tỷ lệ tai nạn, tỷ lệ tàn tật, thương tích và tử vong, đặc biệt là tình trạng tử vong do tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông đối với trẻ em. Cụ thể, trong năm 2017, toàn tỉnh có 462 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó số trẻ em  tử vong là 19 em ( 6 trẻ em tai nạn giao thông, 13 trẻ em tai nạn đuối nước). Tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích tới thời điểm báo cáo là 127/100.000 trẻ (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 70/100.000 trẻ); Tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích là 5,2/100.000 trẻ (mục tiêu 5/100.000 trẻ); Tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2017 so với năm 2016 là 36% trẻ (mục tiêu của năm 2016 là 40% so với năm 2015 theo Kế hoạch số 2689/KH-UBND ngày 20/05/2016 của UBND tỉnh).

 Có thẻ nói, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, như:  Một bộ phận xã hội chưa thật sự quan tâm nhiều đến trẻ em và các hoạt động trợ giúp chưa thật sự mang tính xã hội hóa cao, mới chỉ tập trung ở những sự vụ, sự việc đã xảy ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến tại gia đình và trẻ em chưa kịp thời; nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành còn hạn chế. Nhận thức của gia đình và cộng đồng với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em chưa đầy đủ, phần nào còn xem nhẹ. Một số bộ phận gia đình còn khó khăn, tập trung lo kinh tế gia đình, ít dành thời gian cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em; do mâu thuẫn gia đình, nhiều thói quen, tập quán làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em...

Nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn, thương tích cho trẻ em chủ yếu là môi trường cộng đồng còn thiếu kiến thức về phòng, chống; sự bất cẩn, các trang thiết bị an toàn cho trẻ em chưa được sử dụng phổ biến, môi trường xã hội còn tiềm ẩn gây tai nạn thương tích; một số địa phương còn hạn chế về công tác truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước.

Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong thời gian tới, tỉnh  Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em như: Sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe máy, sử dụng áo phao khi lưu thông đường thủy, trang bị các trang thiết bị an toàn dành riêng cho trẻ nhỏ; gắn kết hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Triển khai nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đã phát huy hiệu quả... Qua đó xây dựng môi trường sống an toàn, từng bước kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Để thực hiện đạt được các chỉ tiêu trên, tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ, bổ sung  kinh phí cho công tác truyền thông, vận động xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở và công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các Quyền cơ bản của trẻ em. Đầu tư kinh phí cho địa phương nhằm thực hiện nâng cao năng lực, tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để cán bộ các tại địa phương, gia đình, trẻ em được tiếp cận, nắm bắt công tác  phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; xã hội hóa nhằm xây dựng các mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích đặc biệt là  phòng, chống  đuối nước trẻ em tại địa phương.  Có các chính sách thiết thực hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, ban hành chế tài xử lý có tính răn đe đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân để trẻ em bị tai nạn, thương tích, tai nạn giao thông, đuối nước. Sớm củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; xây dựng và thực hiện chính sách phù hợp với đội ngũ cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn dân cư./.

Hoàng Cảnh