Xã hội
Huyện Yên Châu: Nỗ lực thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ
03:03 PM 29/09/2020
(LĐXH) - Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) còn chú trọng công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực.
Yên Châu là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Sơn La, có 56,5 km đường biên giới chung với huyện Xiềng Khọ, huyện Sốp Bâu nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Huyện có diện tích tự nhiên 85.775 ha, dân số trên 80.000 người, với 5 dân tộc chủ yếu là: Thái, Kinh, Mông, Xinh Mun, Khơ Mú. Toàn huyện có 15 xã, thị trấn, trong đó có 07 xã khu vực III thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (Chiềng On, Chiềng Tương, Mường Lựm, Chiềng Đông, Phiêng Khoài, Lóng Phiêng và Tú Nang); 06 xã khu vực II (Chiềng Hặc, Sặp Vạt, Viêng Lán, Chiềng Khoi, Chiềng Sàng và Yên Sơn); 02 xã còn lại thuộc khu vực I (Thị Trấn và Chiềng Pằn). Toàn huyện có 187 bản, tiểu khu, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Thực hiện công tác bình đẳng giới, huyện đã quán triệt các nội dung của Luật Bình đẳng giới, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược và chương trình quốc gia bình đẳng giới, đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện công tác cán bộ nữ tại các cơ quan, ban, ngành, địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 là 21,8%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 là 64/182, đạt 35,1% và nhiệm kỳ 2016 - 2020 là 80/225, đạt 35,5%, hiện tại tiêu chí nữ tham gia các cấp ủy Đảng đến năm 2020 ước đạt 22%, tiêu chí nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấpđã đạt và vượt so với chỉ tiêu là 0,5%.
Phụ nữ nghèo nông thôn, dân tộc trong huyện được ưu tiên vay vốn ưu đãi tạo việc làm

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, huyện Yên Châu phối hợp với phòng Lao động việc làm của Sở Lao động - TBXH tỉnh và Công ty may TNHH Tinh Lợi, tỉnh Hải Dương, Xí nghiệp may Hưng Yên… tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nữ tại địa phương, hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ, ký kết hợp đồng lao động được hơn 650 lượt người. Năm 2019, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 2.200 lao động, trong đó 887 lao động nữ, chiếm 40,3% .
Trong năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động, giải quyết việc làm cho người đủ tuổi lao động trên địa bàn, với tổng số người tham dự là 1.500 người, trong đó nữ 652 người. Kết quả đã tạo sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo xã, các ban, ngành, đoàn thể xã, bản, người lao động tạo sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của người lao động. Ngân hàng chính sách huyện đã thực hiện các chương trình vốn vay tạo việc làm cho 712 hộ với tổng số tiền là 27.641 triệu đồng, trong đó hộ nữ là 291 hộ với số tiền là 12.950 triệu đồng. Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng tăng, năm 2020 có 291 người được vay vốn.
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trường học đưa nội dung về bình đẳng giới vào giảng dạy trong trong nhà trường, đặc biệt ở các cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học. Đưa nội dung về giới vào các chương trình bồi dưỡng về quản lý nhà nước, đào tạo về cao cấp lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt. Thực hiện tốt các chính sách đặc thù cho nhóm đối tượng: chính sách, chương trình học bổng hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ tham gia học tập nâng cao trình độ, đặc biệt có chính sách khuyến khích đối với trẻ em gái, phụ nữ nông thôn và vùng dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện khó khăn; chính sách thu hút giáo viên tiểu học và mầm non là nam giới. Thực hiện lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành giáo dục; xây dựng cơ sở dữ liệu có tách biệt theo giới tính, dân tộc ở các cấp học, bậc học. Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn năm 2015 đạt 89%, năm 2019 đạt 95,3%, ước đạt năm 2020 là 95,3%.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, trong đó nhấn mạnh tiêu chí bình đẳng giới trong gia đình. Chú trọng xây dựng mô hình các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực, thu hút sự tham gia tích cực của nam giới. Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và buôn bán người, nhân rộng mô hình điển hình trong cộng đồng dân cư. Chỉ đạo phòng Y tế, Trung tâm y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và nam giới. Đặc biệt, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản linh hoạt, dễ tiếp cận và miễn phí đối với phụ nữ và nam giới vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giới trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng và từng khu vực.
Theo đánh giá của huyện Yên Châu, sau 10 năm triển khai, thực hiện công tác bình đẳng giới, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược và Chương trình quốc gia được quan tâm thực hiện phù hợp với thực tế và điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Một số kết quả đạt được trong lĩnh vực bình đẳng giới góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo đã từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong lĩnh vực văn hóa và thông tin... từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.
Trong giai đoạn 2021-2030, huyện tập trung đẩy mạnh việc lồng ghép thông tin, truyền thông, phổ biến giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời các hoạt động và sản phẩm văn hoá, thông tin mang định kiến giới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc thực hiện hoạt động Luật Bình đẳng giới, các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng lồng ghép giới cho các công chức làm công tác bình đẳng giới các cấp; nghiên cứu lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào giảng dạy tại các trường phổ thông; in ấn tờ rơi tuyên truyền về bình đẳng giới và các chính sách về mua bán người cho UBND các huyện./.
Hồng Phượng