Xã hội
Hướng tới quy trình tố tụng thân thiện cho người chưa thành niên
04:50 PM 14/12/2022
(LĐXH) - Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bước đầu hình thành hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên. Tuy vậy, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy còn những bất cập, hạn chế, đặc biệt là chưa có một đạo luật chuyên biệt về tư pháp cho người chưa thành niên.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì tình hình người chưa thành niên phạm tội vẫn chiếm tỷ lệ cao và có chiều hướng gia tăng (khoảng từ 4% đến 6% tổng số các bị cáo bị đưa ra xét xử trong cả nước); cơ cấu tội phạm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Mỗi năm có khoảng 11.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, 2.000 trẻ em bị xâm hại, và một số lượng trẻ em chưa thống kê được có liên quan tới hơn 60.000 vụ việc hôn nhân và gia đình. Trong đó, các tội phạm chủ yếu mà người dưới 18 tuổi thực hiện là trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hiếp dâm. Cũng có không ít những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế này đòi hỏi cần tiếp tục có những cơ chế giải pháp mới để nâng cao hiệu quả công tác xử lý người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật nói chung và người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng. Mặt khác, ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại cần được bảo vệ, đặc biệt là những vụ án xâm hại về tình dục, bóc lột sức lao động, bạo lực và những vụ việc mà trẻ em là nạn nhân của những mâu thuẫn, bạo hành trong gia đình.

Đối với trẻ em phải có các tố tụng thân thiện, an toàn và sự hiểu biết để trẻ em có thể tham gia đầy đủ và tự do bày tỏ ý kiến của mình

Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, khi giải quyết các vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi, trẻ em gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận tư pháp. Những rào cản thường gặp như: việc điều phối liên ngành và lập kế hoạch chiến lược còn yếu, năng lực hỗ trợ tư pháp trẻ em còn hạn chế, các biện pháp thay thế cho giam giữ và xử lý chuyển hướng dựa vào cộng đồng còn chưa hiệu quả, nhận thức của công chúng chưa cao và việc thu thập những dữ liệu đáng tin cậy còn chưa đầy đủ... Quá trình xử lý các vụ việc thường tập trung vào việc xử lý đối tượng mà ít quan tâm, tìm hiểu, đánh giá những tổn thương về tâm sinh lý của người dưới 18 tuổi để có những biện pháp cụ thể, tư vấn, hỗ trợ, giúp cho các em phục hồi, phát triển; các tòa án cũng chưa có những có chế chính thức để tiến hành việc tìm hiểu, đánh giá về điều kiện sống, học tập nhu cầu cần được hỗ trợ, tình trạng tổn thương về sinh lý của người dưới 18 tuổi do tội phạm gây ra; chưa có cơ chế chính thức trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội có chức năng làm công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em để quyết định những biện pháp hỗ trợ, bảo vệ và thực hiện các biện pháp đó một cách hiệu quả.

"Chúng ta hướng tới thực thi một quy trình tố tụng thân thiện để tránh tạo ra những tổn thương, mặc cảm, mở rộng đường hoàn lương sau sai phạm cho lứa tuổi chưa thành niên. Vì vậy, nghiên cứu hình thành một đạo luật để phù hợp với đặc điểm lứa tuổi chưa trưởng thành, có chính sách ưu đãi với người chưa thành niên là một đòi hỏi tất yếu", theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Theo nghiên cứu về tư pháp với trẻ em của UNICEF thì một hệ Thống tư pháp phù hợp với trẻ em là hệ thống mà ở đó: Các thủ tục điều tra, truy tố và xét xử được điều chỉnh để phù hợp với những nhu cầu cụ thể của trẻ em; Trẻ em được đối xử bằng nhân phẩm, tình thương và được tôn trọng, bảo vệ những nhu cầu cá nhân, lợi ích và sự riêng tư của mình; Tất cả mọi trẻ em được đối xử công bằng, bình đẳng và không phải chịu bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào; Các vụ án liên quan đến trẻ em phải được xử lý nhanh chóng và tránh mọi trì hoãn không cần thiết; Các quyết định được đưa ra phải dựa trên lợi ích tốt nhất của trẻ em; Thúc đẩy quyền được lắng nghe và tham gia của trẻ em trong quá trình tố tụng; Các cơ quan tiến hành tố tụng được tập huấn chuyên môn về xử lý các vụ án có trẻ em tham gia và thực thi nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp, hiệu quả trên cơ sở tôn trọng quyền trẻ em; Các cơ quan tiến hành tố tụng hợp tác chặt chẽ với các cán bộ xã hội và các nhân viên hỗ trợ khác để bảo đảm trẻ em nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Cụ thể hoá hoạt động tố tụng hình sự đối với người chưa đủ 18 tuổi

Tại phiên họp thứ 18, sáng 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Trong đó, nhiều ý kiến trao đổi liên quan các quy định biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với trẻ em.

Theo đó, sau hơn 8 năm thi hành, Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân có nhiều kết quả đạt được, là công cụ hữu hiệu để Tòa án xem xét, quyết định đưa người vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc được kịp thời, đúng đối tượng, đúng pháp luật. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh hiện hành vẫn còn một số hạn chế và bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Pháp lệnh.

Dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung mới 02 điều (Điều 7 và Điều 44), sửa đổi, bổ sung 42/42 điều. Ngoài 03 biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) dự thảo Pháp lệnh còn quy định biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi theo quy định tại Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Mặc dù đây là vi phạm hành chính, nhưng người chưa thành niên bị hạn chế quyền tự do theo phán quyết của Tòa án và trình tự, thủ tục áp dụng tương tự như trong thủ tục tố tụng hình sự. Luật Trợ giúp pháp lý cũng mới chỉ quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý là trẻ em (dưới 16 tuổi) trong các lĩnh vực pháp luật mà không bao gồm người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi. Do vậy, để bảo đảm quyền của người chưa thành niên bình đẳng; phù hợp với Pháp lệnh số 09 đã thi hành ổn định trong 08 năm qua; phù hợp với Điều 37 của Công ước Quốc tế quyền trẻ em, Pháp lệnh này cần tiếp tục kế thừa Pháp lệnh số 09, nội luật hóa Công ước Quốc tế quyền trẻ em và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Pháp lệnh số 01, ngoài việc bổ sung quy định chỉ định người thực hiện trợ giúp pháp lý thì cần giữ nguyên quy định chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên là phù hợp, đúng với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên./.

Trần Huyền