Xã hội
Hưng Yên: Quan tâm trợ giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng
10:46 AM 27/09/2022
Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật (NKT) thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm cũng như được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội.
Quan tâm trợ giúp
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có trên 24 nghìn NKT, trong đó có trên 18,5 nghìn NKT đặc biệt nặng và NKT nặng, còn lại là NKT nhẹ. Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn NKT và gia đình làm hồ sơ theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với NKT. Theo đó, nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo giúp đỡ NKT đã được các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội tổ chức thường xuyên như: Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; trẻ khuyết tật được hỗ trợ phẫu thuật tim, mắt, sứt môi, hở hàm ếch… Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có trên 13 nghìn NKT được hỗ trợ xe lăn, xe lắc, máy trợ thính, giày chỉnh hình, chân tay giả… Toàn tỉnh hiện có gần 18 nghìn NKT được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng với số tiền gần 103 tỷ đồng/năm. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng cho hộ nuôi dưỡng NKT đặc biệt nặng với số tiền trên 8 tỷ đồng/năm. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho NKT luôn bảo đảm kịp thời và đúng quy định… 
Dạy nghề may cho NKT tại Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho NKT Tiên Lữ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 680 NKT đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. NKT đều được các cơ sở quan tâm, thực hiện hoạt động phục hồi chức năng phù hợp với từng dạng tật, sức khỏe, thể trạng của từng người như: Can thiệp về vận động, tâm vận động, âm ngữ trị liệu, tập phục hồi chức năng với máy, dụng cụ phục hồi chức năng, thực hiện lao động liệu pháp, tiếp cận thông tin... Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập đang được thực hiện cao hơn mức quy định chung của Chính phủ. Với mức trợ cấp nuôi dưỡng này, chất lượng bữa ăn của NKT được bảo đảm. 
Việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT được quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho gần 270 lao động là NKT. Sau đào tạo có trên 150 NKT được giới thiệu vào làm tại các doanh nghiệp, xưởng sản xuất; 80 NKT được giới thiệu nhận gia công sản phẩm tại nhà; những người còn lại tự tạo việc làm. Từ đó, đã tạo điều kiện cho NKT có việc làm, có thu nhập ổn định, qua đó cải thiện, nâng cao mức sống, tạo tâm lý tự tin, giúp NKT hòa nhập cộng đồng. 
Đồng chí Hoàng Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho NKT Tiên Lữ cho biết: Hiện nay, trường đang nuôi dưỡng và giảng dạy cho 180 trẻ khuyết tật, chủ yếu là trẻ bị câm, điếc bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ. Đội ngũ giáo viên nhà trường luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, dành tình yêu thương, quan tâm giúp trẻ khuyết tật điều trị phục hồi chức năng, kết hợp giữa học văn hóa, hướng nghiệp và học nghề. Sau khi các em học nghề xong, trường kết nối với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm. Nhờ vậy, nhiều em đã có việc làm và thu nhập ổn định.
Giúp NKT hòa nhập cuộc sống
Cùng với sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần giúp NKT ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội… Từ sự quan tâm, chăm lo đó và sự nỗ lực của bản thân, nhiều NKT đã vươn lên hòa nhập cuộc sống. Thầy giáo Phạm Văn Hưng, Trường THPT Phù Cừ vượt qua khuyết tật của bản thân để trở thành một nhà giáo mẫu mực được đồng nghiệp nể phục và học trò yêu mến, kính trọng. Sinh ra không có bàn tay phải, thầy giáo Phạm Văn Hưng đã nỗ lực vượt lên số phận đạt được nhiều thành tích cao trong học tập và trúng tuyển vào Khoa Vật lý của Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2. Sau khi tốt nghiệp đại học và về công tác tại Trường THPT Phù Cừ, thầy Hưng dành nhiều tâm huyết để tìm những phương pháp giảng dạy mới giúp các học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp thu bài tốt hơn. Thầy giáo Phạm Văn Hưng là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo, nhất là ở ý chí, nghị lực để chiến thắng chính bản thân mình, vượt lên hoàn cảnh để trở thành người có ích cho xã hội.
Em Hoàng Thị Lan Anh ở xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) bị khuyết tật vận động. Nhờ sự kiên trì dạy bảo của các thầy, cô giáo Trường phục hồi chức năng và dạy nghề cho NKT Tiên Lữ, em đã thành thạo nghề may. Sau khi ra trường, em đã có việc làm ổn định tại Công ty cổ phần may Thống Nhất xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ). Em Anh cho biết: Từ ngày đi làm, em có thu nhập ổn định. Và, quan trọng hơn, khi đi làm, em được giao lưu với mọi người, thấy tự tin hơn, xóa bỏ mặc cảm, tự ti và hòa nhập với cộng đồng.
Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ NKT trên địa bàn tỉnh đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của NKT. Họ có thêm những cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những NKT gặp khó khăn bởi khoản trợ giúp xã hội hàng tháng mới chỉ bảo đảm mức sống tối thiểu. Trong khi đó, nhiều NKT thường xuyên đau yếu, không có việc làm và thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống; một số NKT mặc cảm, khó khăn để hòa nhập cộng đồng… 
Nhằm đạt chỉ tiêu theo Kế hoạch số 146/KH-UBND, ngày 23.11.2020 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình trợ giúp NKT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2030 đề ra: Trong giai đoạn 2021 – 2025, hằng năm có 92% NKT tiếp cận dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 92% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; 100% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; 95% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất theo quy định…, thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, các địa phương tổ chức thực hiện đúng các quy định pháp luật về trợ giúp NKT; nghiên cứu, xây dựng các chính sách trợ giúp NKT đặc thù của tỉnh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình; đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp NKT; huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp NKT…

Thu Yến