Lao động
Hơn 120.000 lao động ở Bà Rịa – Vũng Tàu phải ngừng việc do dịch bệnh Covid-19
09:22 AM 12/08/2021
(LĐXH)- Theo kết quả khảo sát sơ bộ từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến ngày 31/7/2021, toàn tỉnh đã có hơn 120.000 lao động phải ngừng việc và hơn 42.000 lao động bị giảm việc làm, mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp đã có nhiều ca lây nhiễm trên địa bàn tỉnh, từ đầu tháng 5/2021, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phải áp dụng nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống dịch. Do đó, một số hoạt động của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực không thiết yếu, có nguy cơ lây nhiễm cao, như: dịch vụ ăn uống, giải trí, bar, massage… buộc phải ngưng hoạt động. Từ ngày 19/7/2021, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi toàn tỉnh.
Hiện tại, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã siết chặt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Ngoài việc dừng hoạt động đối với các lĩnh vực không thiết yếu, thì các địa phương cũng yêu cầu doanh nghiệp phải áp dụng phương án “3 tại chỗ”, buộc sử dụng ô tô đưa đón công nhân mới được hoạt động.
Việc áp dụng biện pháp đảm bảo an toàn nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch tại nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm thời ngừng hoạt động. Ngoài ra, tác động của đại dịch với một số ngành, như: du lịch và các ngành cung cấp sản phẩm, dịch vu cho ngành du lịch; nuôi trồng nông thuỷ sản, giao thông vận tải... cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những ảnh hưởng đó đã làm hàng ngàn doanh nghiệp phải dừng hoạt động và dừng hoạt động một phần.  

Tặng quà cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 ỏ Bà Rịa – Vũng Tàu

Theo số liệu thống kê đến tháng 7/2021, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 16.500 doanh nghiệp, trong đó có 8.530 doanh nghiệp sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên. Tính đến ngày 31/7/2021, toàn tỉnh có gần 4.500 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động một phần nhỏ.
Việc thực hiện phương án vừa sản xuất, vừa chống dịch ngay khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn tỉnh từ ngày 19/7/2021 đã làm nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động đột ngột. Trên cở sở Quyết định 2787/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Hướng dẫn 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM của liên Bộ về thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã ra nhiều văn bản chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, xe đưa đón công nhân.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp áp dụng được phương án này không nhiều, phần nhiều chỉ áp dụng cho một bộ phận lao động cần thiết cho hoạt động của nhà máy, xí nghiệp, bảo đảm thực hiện theo đơn hàng. Nguyên nhân không áp dụng được là do mặt bằng doanh nghiệp không thể thực hiện “3 tại chỗ”; hiệu quả kinh tế thấp; các dịch vụ cung ứng cho việc ăn, nghỉ của người lao động không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; một số lao động không thể tham gia sản xuất “3 tại chỗ”; các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch chưa đảm bảo; chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cho doanh nghiệp vừa sản xuất vừa chống dịch chưa kịp thời…
Tổng số lao động trong các doanh nghiệp của tỉnh là 251.000 người, nhưng theo kết quả khảo sát sơ bộ từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến ngày 31/7/2021, toàn tỉnh đã có hơn 120.000 lao động phải ngừng việc và hơn 42.000 lao động bị giảm việc làm, mất việc.
Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động, đặc biệt đối với lao động ngoài tỉnh, lao động giản đơn có thu nhập thấp. Tác động của dịch Covid-19 ước tính đến nay đã ảnh hưởng đến 30% thu nhập, đời sống của người lao động.
Đối với lao động ngừng việc, tạm thời số lao động này vẫn được doanh nghiệp trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99, Bộ luật Lao động với mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, với thời gian giãn cách tiếp theo từ ngày 2/8/2021, tỉnh sẽ có nhiều lao động phải hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động.
Đối với lao động chấm dứt hợp đồng lao động, chỉ có gần 50% lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (hơn 9.000 lao động nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp), còn những lao động không được nhận bảo hiểm thất nhiệp do không tham gia bảo hiểm xã hội.
Đối với lao động vẫn đang làm việc theo phương án “3 tại chỗ”, mặc dù tiền lương cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên việc sinh hoạt ăn, nghỉ hàng ngày của người lao động bị ảnh hưởng nhiều…
Về chính sách hỗ trợ cho người lao động, Bà Rịa – Vũng Tàu đã vận động các doanh nghiệp điện nước, chủ nhà trọ trên địa bàn hỗ trợ miễn giảm tiền điện, nước, thuê nhà trọ cho người lao động. Hiện tại, Công ty cấp nước của tỉnh đã miễn tiền nước 3 tháng cho người lao động gặp khó khăn…
Ngoài ra, người lao động hoãn hợp đồng lao động vẫn được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Kết quả, có hơn 2.800 lao động không có hợp đồng lao động được tỉnh vận dụng chuyển sang lao động tự do để hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và chính sách của địa phương, với mức hỗ trợ tối đa 3.500.000 đồng/người…
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo cuộc sống của người lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị các Bộ, ngành hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện được phương án vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch. Cụ thể như phương án: “3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ”, “2 điểm đến – 1 tuyến đường”, “3 cùng: cùng làm việc – cùng đi trên phương tiện giao thông – cùng ăn nghỉ 1 nơi” hoặc các phương án khác...

Chí Tâm