Xã hội
Hậu Giang nhiều kết quả nổi bật trong công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ
04:41 PM 10/10/2022
(LĐXH) - Theo báo cáo của Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ tỉnh Hậu Giang, việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và chế độ, chính sách đối với phụ nữ trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại buổi làm việc với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Hậu Giang ngày 05/10/2022. Ảnh: haugiang.gov.vn

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn tỉnh như: Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 06 tháng 9 năm 2007, Chương trình số 17-CTr/TU ngày 30 tháng 11 năm 2007 về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Quyết định số 288-QĐ/TU ngày 23/3/2016 của Tỉnh ủy Hậu Giang về phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo”; Đề án “Quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015 - 2020” (ĐA 807); Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 11/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2020 - 2027” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Kế hoạch số 2212/KH-UBND ngày 20/9/2019 về thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh…

Bên cạnh đó, Sở lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tham cho Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai chính sách, pháp luật, chương trình liên quan đến công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, trong đó có nội dung liên quan đếm việc tổng kết đánh giá thi hành Luật Bình đẳng giới trên địa bàn. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  là cơ quan Thường trực Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ đã phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch như: Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025;  Kế hoạch số 125 thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Kế hoạch số 66 về việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2022 trên địa bàn Tỉnh; Kế hoạch số 67 năm 2022 về việc thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Ban chỉ đạo Công tác gia đình, Ban An toàn giao thông ban hành: Kế hoạch số 01 về việc tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức công tác gia đình, bình đẳng giới và trật tự, an toàn giao thông” tỉnh Hậu Giang năm 2022.

Theo đánh giá của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Hậu Giang, qua 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh hậu Giang cho thấy, việc triển khai Luật Bình đẳng giới được các Cấp ủy Đảng quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, từng bước tạo được những chuyển biến tích cực về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh. Nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội càng được nâng lên, bản thân người phụ nữ giảm tư tưởng tự ti, mặc cảm, an phận, từng bước tự tin hơn, phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động, công tác. Việc thúc đẩy bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực như: chính trị, lao động – việc làm, giáo dục đào tạo, ý tế, gia đình. Đó là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện. Các chương trình đào tạo ngày càng thiết thực theo hướng có trọng tâm, theo vị trí chức danh của cán bộ công chức. Từ đó ý thức tự học, tự rèn, đạo đức, tác phong của  cán bộ nữ được nâng lên. Qua đó, vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định, đội ngũ cán bộ nữ chiếm một tỷ lệ tương đối lớn và đóng góp một phần quan trọng trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Trong lĩnh vực lao động – việc làm, tỉnh hậu Giang đã có nhiều  chính sách khuyến khích đầu tư, các ngành, các cấp có nhiều hỗ trợ trong lĩnh vực đào tạo, chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ; áp dụng chính sách ưu tiên đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao trình độ nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động cho phụ nữ, nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mặt khác, tỉnh còn tạo điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn lực kinh tế, giúp phụ nữ giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động...

Hội phụ nữ phường 5, TP Vị Thanh ra mắt CLb " Mẹ khoẻ, con khoẻ, gia đình hạnh phúc". Ảnh: Trường Sơn

Hằng năm, trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ nữ chiếm bình quân khoảng 40%; tỷ lệ nữ được giải quyết việc làm chiếm bình quân khoảng 43%; phụ nữ được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm sau học nghề, mua bán, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn vốn tín dụng khác đạt 80%.

Bên cạnh đó, phụ nữ ngày càng có cơ hội học tập nâng cao trình độ học vấn, tỷ lệ học sinh nữ ở các cấp học, bậc học từ bằng tới cao hơn học sinh nam; tỷ lệ nữ giáo viên dạy giỏi và đạt chuẩn, trên chuẩn đào tạo các cấp học; nữ giáo viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú ngày càng tăng, nhiều đề tài nghiên cứu được Hội đồng khoa học tỉnh công nhận. Chất lượng nguồn nhân lực ngành giáo dục cũng được nâng lên. Đến nay đã có 263/320 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 82,19% tổng số trường.

Song song đó, tỉnh Hậu Giang còn thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các môn học như: giáo dục công dân, sinh học và các hoạt động ngoại khóa; giáo dục kỹ năng sống ở các cấp học trong trường phổ thông; giáo dục phòng chống các tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Đồng thời, đưa nội dung về bình đẳng giới vào các chương trình bồi dưỡng, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng việc lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình, kế hoạch về giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 89,47%; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 100%.

Về lĩnh cực khoa học, công nghệ cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Trong 15 năm qua, Tỉnh đã ký hợp đồng thực hiện 197 nhiệm vụ khoa học và công nghệ với các tổ chức trong và ngoài tỉnh, trong đó có 49 nhà khoa học nữ là chủ nhiệm nhiệm vụ. Cùng với đó, trong lĩnh vực văn hoá - thông tin, tỉnh cũng  có nhiều chính sách nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thông tin - truyền thông.

Nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Ngành y tế tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ và nam giới, người chưa thành niên về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, tránh thai an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, qua các chiến dịch truyền thông, các buổi nói chuyện chuyên đề. Các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng. Công tác khám, chữa bệnh đã có bước chuyển biến tích cực; nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện, chất lượng chuyên môn y tế các tuyến đã từng bước được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ Trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 10,69%; 100% phụ nữ mang thai được khám ít nhất 3 lần, từ đó tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong giảm đáng kể. Tỷ lệ giới tính khi sinh là 108,3 bé trai/100 bé gái, tỷ suất sinh thô là 6,94%.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh và Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh , Sở Văn hóa - thể thao và Du lịch đã tích cực phát động toàn xã hội đăng ký thực hiện các danh hiệu, trong đó có danh hiệu “Gia đình văn hóa” và danh hiệu này đã đề ra nhiều tiêu chuẩn, mà trọng tâm là tiêu chuẩn “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình không có bạo lực gia đình”. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động và truyền thông cộng đồng nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình. Tất cả các hoạt động vừa nêu nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Song song đó, công tác tuyên truyền về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, triển khai nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để phụ nữ tích cực tham gia học tập, lao động và công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình ngày càng được quan tâm. Từng bước rút ngắn khoảng cách thời gian tham gia vào công việc gia đình giữa phụ nữ và nam giới. Nam giới có xu hướng dành thời gian tham gia vào công việc gia đình ngày càng nhiều, đã có ý thức tự giác chia sẻ công việc gia đình; quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản…; thực hiện bình đẳng giới; các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, văn minh, ứng xử có văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ nữ cán bộ tham gia lãnh đạo, quản lý, tham gia các cơ quan dân cử tuy đã tăng nhưng chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ trong các ngành và xã hội. Cơ chế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã phát sinh nhiều vấn đề xã hội có liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Tình trạng bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra; nhận thức về bình đẳng giới còn nhiều bất cập. Nhìn chung phụ nữ còn nhiều điểm hạn chế so với nam giới: Có sự chênh lệch lớn về trình độ học vấn của phụ nữ so với nam giới ở bậc học cao (sau đại học); trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, cơ hội có việc làm và thu nhập không cao. Cơ hội tiếp cận giáo dục, học tập của trẻ em gái, phụ nữ nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Vì vậy, để triển khai đạt hiệu quả công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong thời gian, tỉnh Hậu Giang tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về công tác cán bộ nữ, có cơ chế hỗ trợ cán bộ nữ, động viên, khích lệ phụ nữ tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, đất nước, xóa bỏ tâm lý e ngại, tự ti, an phận, tạo mọi điều kiện cho phụ nữ phát triển, phấn đấu vươn lên,…

Hoàng Cảnh