Xã hội
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
09:57 AM 17/04/2024
(LĐXH)- Phong trào Đền ơn đáp nghĩa ở Hậu Giang được các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan, nhân dân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai, thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các chương trình, kế hoạch đối với công tác người có công trên địa bàn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Công tác xác nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Lãnh đạo Cục Người có công tiếp đoàn đại biểu người có công Hậu Giang chiều 12/4 tại Hà Nội
Thông tin từ Sở LĐTBXH tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 35.754 người có công với cách mạng, chiếm 3,77% dân số của tỉnh. Số hộ nghèo thuộc diện người có công đầu năm 2023 hộ là 133, đến đầu năm 2024 giảm xuống còn 87 hộ.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, thông qua các chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương, chương trình ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho người có công vay vốn để phát triển sản xuất, đã giải quyết cho 894 hộ được vay vốn, số tiền trên 37 tỷ đồng; đã góp phần hỗ trợ 791 hộ thoát nghèo; số hộ người có công có mức sống trung bình và khá trở lên đạt 98,7%.
Từ những kết quả đó, năm 2021 tỉnh Hậu Giang đã có chủ trương mở rộng thêm cho nhóm đối tượng người có công hưởng trợ cấp một lần (Huân - Huy chương kháng chiến) được vay vốn sản xuất, nhằm từng bước hỗ trợ hộ người có công của tỉnh trong diện nghèo được thoát nghèo trong thời gian tới.
Việc chăm lo đời sống về vật chất và tinh thần cho người có công còn được các địa phương tập trung thực hiện thông qua việc thực hiện 06 tiêu chuẩn, điều kiện để được xét công nhận xã, phường làm tốt công tác người có công ở các địa phương hàng năm. Kết quả đến nay có 98,7% xã, phường, thị trấn  được công nhận làm tốt công tác này.
Công tác vận động, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được tổ chức, triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức vận động khác nhau, đã huy động được mọi nguồn lực của xã hội để chăm lo cho người có công.
Phong trào phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng; thân nhân liệt sĩ già yếu, neo đơn; thương bệnh binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… cũng được các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia như: tổ chức đoàn đến thăm hỏi động viên, tặng quà…
Hiện nay, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức xã hội nhận phụng dưỡng đến cuối đời, với số tiền phụng dưỡng từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng/tháng.
Song song với việc thực hiện tốt chính sách với người có công, công tác quản lý, cải tạo và nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ luôn được quan tâm. Tỉnh cũng đã huy động từ nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng 29 nhà bia ghi tên liệt sĩ tại các xã, phường, thị trấn; nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; 02 đền thờ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh); trùng tu, sửa chữa, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh (nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nghĩa trang liệt sĩ Tầm vu, nghĩa trang liệt sĩ thành phố Ngã Bảy).
Tất cả các công trình đó vừa có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau./. 
Hồng Minh