Xã hội
Hải Dương: Chú trọng công tác chăm sóc người cao tuổi
02:15 PM 23/01/2019
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2018, tỉnh Hải Dương có 257.094 người cao tuổi (NCT), chiếm tỷ lệ 14,3% dân số, trong đó có 71.284 NCT đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 29.496 NCT hưởng trợ cấp người có công; 44.545 NCT hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (trong đó có 2.354 NCT cô đơn không nơi nương tựa thuộc diện hộ nghèo, 42.188 NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội, 10.783 NCT khuyết tật nặng, đặc biệt nặng).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 108 NCT khuyết tật đặc biệt nặng, NCT cô đơn không nơi nương tựa đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh.
Tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh
Thời gian qua, công tác chăm sóc NCT được tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm, trong đó có nhiều văn bản chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương như: Chỉ thị số 49/CT/TU ngày 23/10/2015 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Quyết định số 3370/QĐ- UBND ngày 12/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về mức quà tặng, tổ chức chúc thọ, mừng thọ, cấp Bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với NCT; Quyết định số 392/QĐ - UBND ngày 24/01/2014 của Ủy ban nhân dân về phê duyệt Quy hoạch phát triển các cơ sở bảo trợ xã hội và các Trung tâm dưỡng lão tỉnh Hải Dương đến năm 2010, định hướng đến năm 2030... Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình hành động NCT tỉnh; Kế hoạch tổ chức tháng hành động NCT. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của cấp trên các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều Quyết định, kế hoạch, công văn để triển khai công tác chăm sóc NCT trên địa bàn của huyện.
Thực hiện chính sách đối với NCT, tỉnh Hải Dương đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 31.869 NCT vào dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, với kinh phí thực hiện hơn 8,3 tỷ đồng; năm 2019 có 171 NCT 100 tuổi được Chủ tịch nước gửi thiếp mừng thọ; 100% NCT thuộc diện hộ nghèo, từ đủ 80 tuổi trở lên được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được trợ cấp mai táng phí. NCT được ưu tiên khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh; được tư vấn và chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, được lập sổ theo dõi, khám chữa bệnh; được ưu tiên khi tham gia giao thông công cộng, miễn giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham quan các khu di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh...
Đối tượng NCT đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội tỉnh
Về phát huy vai trò NCT, toàn tỉnh Hải Dương có 2.429 câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao NCT hoạt động thường xuyên, thu hút trên 72 ngàn người tham gia; có trên 11.833 NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, khuyến học, thanh tra nhân dân, hoà giải... ở cơ sở, thôn, khu dân cư. Về việc thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ, được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc ( UNDP) và tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế ( HAI) đã thành lập được 34 Câu lạc bộ liên thế hệ. Các Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2014 đến nay đều được tỉnh cấp kinh phí 50 triệu đồng/CLB và hoạt động hiệu quả.
Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương hiện đang chăm sóc hơn 60 NCT
Nhìn chung, nhờ sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan và Hội NCT các cấp, công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT được triển khai thực hiện đồng bộ ở các địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian tới, công tác NCT ở Hải Dương cũng đang gặp một số thách thức như: Tốc độ già hóa diễn ra nhanh, tỉnh Hải Dương là tỉnh đứng thứ hai trên toàn quốc về già hóa dân số, trong đó nữ hóa dân số cao tuổi vì tuổi thọ của nữ giới cao hơn nam giới nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp hơn, mặc dù sống lâu hơn nhưng phụ nữ dễ bị tổn thương hơn khi về già so với nam giới. Phụ nữ có khả năng mắc các bệnh mãn tính cao hơn và dễ rơi vào nghèo khó, họ gặp khó khăn hơn trong việc chi trả cho các dịch vụ y tế cần thiết. Số hộ gia đình có NCT hoặc chỉ có vợ chồng cao tuổi sống với nhau hoặc “Khuyết thế hệ” là những hộ gia đình chỉ có ông bà sống với các cháu đang ngày gia tăng, đặc biệt là nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu là do sự di cư của thế hệ trẻ từ nông thôn ra thành thị làm việc ngày càng tăng.
Thêm vào đó, do thiếu kiến thức trong phòng bệnh, chi phí thuốc men và đi lại đến cơ sở khám chữa bệnh cao, nên số lượng NCT khám sức khỏe còn hạn chế. Tỷ lệ NCT bị mắc các bệnh mạn tính, các bệnh không lây nhiễm gia tăng, người khuyết tật là NCT ngày càng gia tăng dẫn đến nhu cầu chăm sóc, đặc biệt chăm sóc dài hạn. Phần lớn NCT là nông dân, có mức thu nhập thấp và không ổn định và nhiều người sống trong hộ nghèo, mức trợ cấp của NCT còn thấp, bằng 38% so với chuẩn nghèo. Nhiều NCT vẫn tiếp tục làm việc thường xuyên, đa phần là lao động tự do hoặc làm các công việc gia đình không được trả công. Tuy vậy, NCT được tiếp cận rất hạn chế với các chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm.
Để phát phát huy công tác chăm sóc đối với NCT, tỉnh Hải Dương đề nghị các bộ, ngành trung ương cần cung cấp các dịch vụ bảo vệ, bảo vệ khẩn cấp đối với NCT; Có các trung tâm cung cấp các dịch vụ đối với NCT, như trung tâm tư vấn tâm lý, trung tâm nuôi dưỡng, dưỡng lão dành riêng cho NCT; Cung cấp các dịch vụ về bảo vệ chăm sóc sức khỏe NCT, dịch vụ pháp lý bảo vệ quyền NCT; Cung cấp các dịch vụ việc làm phù hợp với đặc điểm, sức khỏe NCT; Nâng cao nhận thức và thái độ về các thách thức và cơ hội già hóa dân số cũng như các vấn đề của NCT. Ngoài ra, cần có nhiều dịch vụ về hàng hóa, y tế, giải trí, chăm sóc, điều dưỡng đối với NCT. Có như vậy vừa đáp ứng nhu cầu NCT và kích thích nền kinh tế góp phần vào tình hình ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Thu Hương