Lao động
Hà Nội: Lao động "chui" tại Hàn Quốc ảnh hưởng đến người ở nhà muốn đi
09:58 AM 26/10/2017
(LĐXH)- Việc 5 huyện của Hà Nội có trong danh sách tạm dừng tuyển chọn xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc năm 2017 đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu chính đáng của nhiều lao động.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất (Hà Nội), trong năm 2017, huyện phấn đấu đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài, song năm nay là năm thứ hai huyện nằm trong danh sách tạm dừng tuyển chọn XKLĐ sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS do có trên 60 người ở lại quá thời hạn. Do đó nhiều lao động đành phải xếp hàng, chưa biết đến khi nào được đi, trong khi đã trải qua các kỳ thi, hoàn thành khóa học tiếng.
Đơn cử như ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất. Theo ông Vũ Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã, Hương Ngải hiện có tới 50 lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc nhưng không về nước mà bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Đây là xã được đánh giá từng làm tốt công tác xuất khẩu lao động, song nay lại đứng đầu danh sách lao động bỏ trốn của Thạch Thất.
“Hiện xã có hơn 20 lao động mong muốn đi Hàn Quốc, nhưng đành bị đình lại do lao động bỏ trốn quá đông. Chúng tôi đang tìm mọi biện pháp kêu gọi số lao động này trở về để tạo cơ hội cho người ở nhà” - ông Vũ Minh Hải nói.
Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên (Ảnh minh họa)
Thực tế cho thấy, Hàn Quốc là thị trường được nhiều lao động lựa chọn vì điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định và xã hội tạo điều kiện. Mức lương bình quân khoảng 1.000 USD/tháng, có vị trí công việc thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, việc bị dừng xem xét xuất khẩu lao động sang thị trường này trong năm 2017 đã ảnh hưởng đến giấc mơ của nhiều người nghèo trên địa bàn.
Điều đáng tiếc là những lao động đang “xếp hàng” đã chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng đi lao động, sức khỏe tốt, thậm chí phải vay mượn tiền và học tiếng Hàn, nhưng nay bị tạm dừng nên đời sống thêm phần khó khăn.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhiều là do người ta rất lo lắng về việc sau khi về nước có còn giữ được việc làm và thu nhập cao như bên Hàn Quốc hay không. Các ngày hội việc làm dành cho lao động từ Hàn Quốc trở về chủ yếu dành cho lao động làm việc tại Hàn Quốc thông qua chương trình cấp phép lao động.
Hầu hết những lao động này đều đã có thời gian dài làm việc tại Hàn Quốc (4 năm 10 tháng, đều là những lao động có kinh nhiệm và tác phong làm việc, am hiểu văn hoá và ngôn ngữ Hàn Quốc. Do đó họ dễ dàng ra ngoài kiếm việc làm, cũng như được nhiều công ty Hàn Quốc “mời gọi” làm việc bất hợp pháp.
Theo ông Song, Kil – Yong, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD): “Những địa phương bị cấm là những địa phương có tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao và nếu muốn dỡ bỏ lệnh cấm thì điều kiện rất đơn giản là hạ tỉ lệ cư trú bất hợp pháp xuống thì lao động của địa phương đó sẽ tiếp tục được dự thi như bình thường. Khi đó, người lao động ở các địa phương này sẽ tiếp tục được dự thi tiếng Hàn để xuất cảnh.
Việc cấm các địa phương thi cũng là một trong những giải pháp được đưa ra để hạ tỉ lệ cư trú bất hợp pháp, để người lao động thấy được rằng là vì mình cư trú bất hợp pháp nên toàn bộ những người trong địa phương mình đã không được sang Hàn Quốc làm việc”./.
Nguyễn Long
Từ khóa: lao động Việc Làm