Xã hội
Hà Nội: Giải quyết tốt chính sách đối với người có công
04:03 PM 05/04/2018
(LĐXH) Theo thống kê, toàn thành phố có trên 6.500 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 45.000 thương, bệnh binh, gần 80.000 liệt sĩ, trên 13 ngàn người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng chế độ, trên 500 ngàn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại. Hiện nay, tổng số đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng trên địa bàn là trên 90 ngàn người. Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước, chiếm gần 10% tổng số đối tượng người có công của cả nước.
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Sở Lao động - TBXH đã tiếp nhận và giải quyết 27.400 hồ sơ người có công; tiếp tục triển khai việc tiếp nhận đối tượng và Trung tâm Chăm sóc và điều trị nạn nhân chất độc Dioxin. Ngoài ra, còn tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trên địa bàn thành phố theo Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động – TBXH. Ban Chỉ đạo thành phố đã xét duyệt 22 trường hợp hồ sơ tồn đọng (do gia đình lưu giữ) đề nghị Bộ Lao động – TBXH xem xét, chấp nhận xác nhận liệt sĩ đối với 17 trường hợp hồ sơ đủ điều kiện; hoàn thành điều tra thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ theo chỉ đạo của Cục Người có công.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã thực hiện điều dưỡng luân phiên tại trung tâm cho 11.732/11.678 người có công, giải quyết chế độ điều dưỡng tại nhà cho trên 20.000 đối tượng; giải quyết trợ cấp 01 lần cho 8.000 trường hợp tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen theo Quyết định 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Đôn đốc các quận, huyện, thị xã thiết lập hồ sơ đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo quy định tại Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Tặng quà người có công trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm
Trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố đối với người có công,  toàn thành phố xã vận động được trên 68 tỷ đồng cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, đạt 370% kế hoạch; Tặng 9.163 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí hơn 12,4 tỷ đồng, đạt 261% so với kế hoạch; Tu sửa nâng cấp 269 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí gần 195 tỷ đồng, đạt 247% kế hoạch; Tu sửa nâng cấp 916 nhà ở cho người có công với kinh phí vận động trên 41,4 tỷ đồng (ngoài các hộ được hỗ trợ theo Quyết định 22), đạt 250% kế hoạch, trong đó xây mới 444 nhà, sửa chữa 472 nhà. Đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thành hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo Kế hoạch 190/KH-UBND của UBND thành phố. Cùng với đó, phong trào chăm sóc, phụng dưỡng các bà mẹ VNAH cũng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Hiện tất cả 223 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời; 584 xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều đạt danh hiệu xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Thực hiện chính sách ưu đãi người có công, trong  3 tháng đầu năm 2018, Sở Lao động –TBXH đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chính sách, trả lời đơn thư cho khoảng 7.700 hồ sơ và 90 đơn thư; Báo cáo UBND thành phố và làm việc với Sở Tài chính về đề xuất áp dụng chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố về chế độ điều dưỡng đối với  người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và UBND thành phố. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các sở, ban và quận, huyện, thị xã đã thực hiện chuyển 126.228 suất quà của Chủ tịch nước với tổng kinh phí trên 27,9 tỷ đồng cho người có công, chuyển 137.106 suất quà của thành phố với kinh phí 56,2 tỷ đồng. Đối với cấp huyện, đã tổ chức tặng 58.060 suất quà cho các đói tượng chính sách; cấp xã tặng 57.595 suất quà cho người có công. Ngoài ra, Sở Lao động –TBXH đã đề nghị Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố góp ý dự thảo hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ trên địa bàn thành phố; Trình UBND thành phố ban hành Kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả phối hợp, liên thông trong việc giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực người có công trên địa bàn; Báo cáo tình hình giải quyết hồ sơ người có công, số liệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng kế hoạch lấy mẫu hài cốt liệt sĩ giám định AND theo chỉ đạo của Bộ Lao động –TBXH.
Trong năm 2018, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh –Liệt sĩ; Tiếp tục rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng đối với người có công với cách mạng theo hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương, phối hợp thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với  người có công với cách mạng, xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Hồng Phượng