Thời sự
Hà Nội: Đồng bộ dữ liệu theo Đề án 06 để hỗ trợ thực thi chính sách an sinh xã hội
01:41 PM 16/10/2023
(LĐXH)- TP Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong triển khai tốt, hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, trong đó phải kể đến đóng góp tích cực của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thủ đô.
Để triển khai thực hiện Đề án 06 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã khẩn trương ban hành Kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị có liên quan; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc triển khai nhiệm vụ. Sở đã tham mưu các văn bản chỉ đạo và đang phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo đúng hướng dẫn, đảm bảo tiến độ.
Trong năm 2022, Sở đã ban hành 23 văn bản chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan, quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 theo các văn bản của Trung ương và thành phố, riêng trong tháng 8/2023, đã ban hành 07 văn bản tới các phòng chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị, quận, huyện, thị xã.  
Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo và hướng dẫn các quận, huyện, thị xã cập nhật cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, dữ liệu người có công, dữ liệu trẻ em đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 phối hợp với Công an làm CCCD gắn chíp cho các trường hợp đặc biệt (ảnh Tư liệu)
Tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ triển khai vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của thành phố; cập nhật cơ sở dữ diệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành; nghiên cứu các nội dung để thực hiện việc số hóa kết quả TTHC; rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC, đảm bảo số lượng TTHC có phương án đơn giản hóa đạt thiểu 20% trên tổng số TTHC được giao rà soát; đôn đốc thực hiện 2 thủ tục hành chính liên thông, tích hợp cổng DVC Quốc gia thuộc lĩnh vực của ngành...
Thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu đối tượng BTXH và báo cáo công tác chi trả không dùng tiền mặt theo Chỉ thị 21. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã cập nhật dữ liệu đối tượng BTXH lên phần mềm Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Một số quận, huyện đã chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thống kê số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan thúc đẩy việc thí điểm chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng. 
Đối với dữ liệu BTXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các quận, huyện, thị xã chuyển toàn bộ dữ liệu về đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và dữ liệu  hộ nghèo, hộ cận nghèo (các địa phương đang quản lý) gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và C06 theo quy định.
Tất cả các quận, huyện, thị xã hoàn thành việc bổ sung số căn cước công dân vào cơ sở dữ liệu đối tượng BTXH, gửi Cục Bảo trợ Xã hội, đẩy lên hệ thống của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu. Tính đến ngày 15/9/2023, đã có 194.456/202.237 đối tượng (đạt 96,2%) đối tượng BTXH được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống cơ sở dữ liệu BTXH.
Về dữ liệu người có công: Đã chuyển toàn bộ dữ liệu về đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng đến Cục Người có công và Công an thành phố để cập nhật và làm sạch dữ liệu. Đến nay đã rà soát, đối chiếu, làm sạch và nhập dữ liệu thông tin của 76.296/79.603 trường hợp người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hàng tháng trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ 95,85%).
Sở cũng đã thực hiện quy trình 04 bước chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em trên phần mềm Quản lý thông tin trẻ em theo quy trình chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu trẻ em (do Cục Trẻ em quản lý).
Hiện các quận, huyện, thị xã đang triển khai thực hiện theo quy trình hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và sử dụng phần mềm do Cục Trẻ em xây dựng. Tính đến ngày 15/9/2023, số trẻ em hiển thị trên phần mềm hệ thống là 1.683.828 trẻ, trong đó số trẻ em đã có mã ĐDCN là 1.288.971 (đạt 76,6 %), số trẻ em chưa có mã ĐDCN là 394.857 trẻ.
Thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết quả thực hiện Đề án 06 dưới nhiều hình thức cho người dân, doanh nghiệp, công chức, người lao động. Tăng cường chỉ đạo các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, thu thập, cập nhật, làm sạch các dữ liệu an sinh xã hội đảm bảo thông tin theo hướng dẫn.
Bám sát các hướng dẫn, quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để rà soát các dịch vụ công, thực hiện tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính kết nối với các cơ sở dữ liệu của Bộ để cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tiếp tục tham mưu việc thực hiện tổ chức chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đảm bảo hiệu quả.
Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tháo gỡ việc thực hiện cấp căn cước công dân gắn chip cho nhóm đối tượng yếu thế đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố; tham mưu thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân tộc thiểu số, các nhóm đối tượng có trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế và khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số./.
hồng hà