Xã hội
Hà Nội: Chăm lo Tết cho đối tượng chính sách
11:02 AM 17/01/2020
Đã trở thành nét đẹp truyền thống, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô luôn đẩy mạnh việc chăm lo Tết cho người có công. Đón nhận sự quan tâm ân cần, chu đáo đó, hàng vạn gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn Hà Nội đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trong không khí ấm áp, nghĩa tình.
Vui tươi, đầm ấm
Những ngày đầu tháng 1/2020, gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lộc (sinh năm 1935), ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội (huyện Đông Anh) được đón nhiều đoàn đại biểu của xã, huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị... đến thăm. Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, cụ Lộc còn được một đơn vị nhận chăm sóc sức khỏe, phụng dưỡng suốt đời. Cụ Nguyễn Thị Lộc phấn khởi chia sẻ: "Nhận được sự quan tâm, tôi rất vui và luôn động viên con cháu học tập, công tác thật tốt để xứng đáng với điều này".
Không chỉ có cụ Lộc, hơn 100 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang sinh sống trên địa bàn thành phố đều được đón nhận những món quà tri ân, lời thăm hỏi, chúc Tết từ nhiều tổ chức, cá nhân và nhân dân. “Ân tình đó là động lực để các thành viên trong gia đình tôi học tập, làm việc tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn”, bà Vũ Thị Kim Hoa, con dâu của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Hoãn, ở tổ dân phố 1, phường Phú La (quận Hà Đông) bày tỏ.
Tặng quà cho người có công tại quận Long Biên
Những tình cảm ấm áp còn được thể hiện thông qua những hình ảnh, câu chuyện giản dị, xúc động tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Đến Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 (phường Biên Giang, quận Hà Đông), chúng tôi nhận thấy không khí đón Tết Nguyên đán nơi đây thật vui tươi, đầm ấm. Phòng ở của 4 thương binh, bệnh binh được nuôi dưỡng thường xuyên tại trung tâm có nhiều sản vật mang đậm hương vị ngày Tết. Thương binh Nguyễn Đăng Đức kể: “Trở về sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tôi bị thương nặng, các sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật phải có người giúp đỡ. Hơn 20 năm sống tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2, ngày thường cũng như ngày Tết, tôi và người thân luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đủ đầy”.
Trong khi đó, tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 (xã Viên An, huyện Ứng Hòa), những người có công còn đủ sức khỏe vui vẻ chuẩn bị đón Tết cổ truyền thông qua các sinh hoạt văn hóa, rèn luyện sức khỏe, trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa… Những người yếu hơn, phải nằm một chỗ cũng thể hiện rõ niềm vui mỗi khi có các đoàn khách đến thăm, chúc Tết.
Triển khai rộng khắp, toàn diện
Với tấm lòng tri ân những cá nhân, gia đình có công với cách mạng, từ những ngày đầu tháng 1/2020, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã trực tiếp đi thăm, tặng quà một số tập thể, cá nhân người có công tiêu biểu trên địa bàn thành phố.
Bà Phạm Thị Diễm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, quận đã bố trí ngân sách để thăm, tặng quà Tết đến gia đình 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 200 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và gia đình của hơn 3.000 liệt sĩ, thương binh, bệnh binh cùng nhiều đối tượng người có công khác. Còn tại quận Long Biên, ngoài các suất quà của Trung ương và thành phố, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, quận còn đi thăm hỏi, tặng quà cho hơn 6.000 tổ chức, cá nhân thuộc diện chính sách, người có công. Tại huyện Chương Mỹ, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã thăm hỏi, tặng quà thương binh, người có công tiêu biểu ở các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Thanh Bình…
Góp phần mang không khí đón Tết ấm áp, tình cảm đến với người có công, đội ngũ cán bộ các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trên địa bàn thành phố luôn chăm sóc người có công như người thân. Ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 (phường Biên Giang, quận Hà Đông) bày tỏ: “Chăm sóc, gắn bó với các thương binh, bệnh binh nhiều năm, chúng tôi hiểu rõ sở thích, hoàn cảnh từng người. Do đó, chúng tôi đã chuẩn bị những suất quà, những món ăn ngày Tết phù hợp với từng đối tượng”. Còn bà Dương Thị Hương, cán bộ Phòng Y tế - Điều dưỡng, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Trong những ngày Tết, chúng tôi sẽ thay nhau chăm sóc các đối tượng như những người thân trong gia đình...”.
Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, các phong trào chăm lo Tết cho người có công được triển khai rộng khắp, thu hút nhiều người tham gia. Điển hình là phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phát động đã mang đến hàng nghìn suất quà Tết cho những gia đình có thành viên là nạn nhân da cam. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức khám bệnh, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, giúp các đối tượng vui khỏe để đón Tết…
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, toàn thành phố hiện có gần 800.000 người có công, trong đó có hơn 90.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, thành phố cùng các quận, huyện, thị xã tặng những món quà Tết ý nghĩa đến 100% người có công và thân nhân với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết. Việc làm này đã duy trì suốt nhiều năm nay, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thành phố Hà Nội dành trên 378 tỷ đồng tặng quà cho 859.271 người là đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt và một số đối tượng khác… Ngoài ra, thành phố Hà Nội và các địa phương còn tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà 87 đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng đối tượng người có công, trung tâm bảo trợ xã hội, đơn vị sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh, người tàn tật tiêu biểu, gia đình người có công tiêu biểu.
UBND Thành phố đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng Sở, Ban, ngành, đoàn thể, các quận huyện trong tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo việc tặng quà thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng. Trong đó, UBND Thành phố giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội kiểm tra, giám sát việc thăm hỏi, tặng quà, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm trong việc thực hiện chính sách tặng quà. Liên đoàn Lao động Thành phố được giao chủ trì, xây dựng kế hoạch chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động; tổ chức tặng quà Tết cho các đối tượng là người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, triển khai tốt công tác đưa đoàn viên, người lao động về quê đón Tết, phối hợp xử lý những phát sinh của người lao động về quyền lợi trong dịp Tết.
UBND Thành phố nhấn mạnh: việc thăm hỏi, tặng quà phải đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ chế độ chính sách, kịp thời theo quy định hiện hành; huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn đối với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi người dân đều có Tết.
Thu Hương