Xã hội
Hà Giang: Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh
10:35 AM 24/07/2017
(LĐXH) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại vẫn vô cùng nặng nề đối với tỉnh Hà Giang - vùng đất cực bắc của tổ quốc, do có gần 100 nghìn héc-ta đất nằm dọc theo chiều dài biên giới Việt – Trung bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ.
Hà Giang là một tỉnh biên giới phía Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là tỉnh bước ra khỏi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau cùng của cả nước. Trải qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới những năm 1979 - 1989 đầy khốc liệt, việc bố trí hệ thống bom mìn, vật cản trên một số khu vực,  nhất là khu vực gần các điểm cao chiến lược với mật độ lớn và dày; theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, số lượng lớn bom mìn, vật nổ còn tồn sót chưa được rà phá trên địa bàn tỉnh lên đến trên 85.000 ha. Điều này đã để lại nhiều hậu quả đối với cuộc sống của người dân, ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn tỉnh có khoảng 400 trường hợp là nạn nhân của bom mìn. Triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2015 và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền về tác hại của bom mìn, vật nổ và cách nhận biết để phòng, tránh cho nhân dân, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng biên giới có đất canh tác sản xuất. Từ năm 2013 đến nay, số diện tích đã rà phá bom mìn, vật nổ được 492 ha.
Lực lượng công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang) thực hiện rà phá bom mìn tại huyện biên giới Vị Xuyên.
Bên cạnh công tác rà phá bom mìn, vật nổ, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 1237 các cấp, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và MTTQ tỉnh cũng luôn quan tâm chú trọng đến nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; từ năm 2013 đến nay, đã tổ chức tìm kiếm và quy tập được 52 hài cốt liệt sĩ (có 09 hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính) và hoàn thiện 2.705 hồ sơ danh sách liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khắc phục hậu quả của bom mìn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Công tác rà phá bom mìn, vật nổ trên tuyến biên giới còn gặp nhiều khó khăn do diện tích bị ô nhiễm bom mìn hiện tại vẫn còn hơn 85 nghìn héc-ta, trong đó có hơn 25 nghìn héc-ta bị ô nhiễm nặng; Hầu hết nạn nhân bom mìn đều thuộc diện hộ nghèo, trong khi đó, nhà nước chưa có chính sách riêng để hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn phát triển kinh tế; Hoạt động của Chi hội hỗ trợ nạn nhân bom mìn tỉnh Hà Giang còn hạn chế, chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn...
Để đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, Hà Giang rất cần nhận được các nguồn lực từ Trung ương để tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn gắn với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội; tập trung rà phá bom mìn, vật nổ tại các điểm bị ô nhiễm nặng với diện tích 229 ha để cho nhân dân các dân tộc trên tuyến biên giới an tâm sản xuất; rà phá bom mìn khoảng 350 ha tại các điểm cao, nơi có nhiều liệt sĩ hy sinh, tạo điều kiện cho các lực lượng tiến hành tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, góp phần xoa dịu những nỗi đau mất mát và niềm mong mỏi tìm thấy hài cốt liệt sĩ đối với thân nhân của các liệt sĩ.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang 
phát biểu tại Hội nghị sơ kết Chương trình hành động Quốc gia Khắc phục hậu quả Bom - Mìn
sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2015 và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Tại Hội nghị sơ kết Chương trình hành động Quốc gia Khắc phục hậu quả Bom - Mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2015 và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Hà Giang diễn ra mới đây, Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu: Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương bố trí các nguồn lực cho tỉnh Hà Giang đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn, vật nổ; quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. Tranh thủ sự ủng hộ của các của các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai có hiệu quả giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Chủ động phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, cách nhận biết và biện pháp phòng, tránh tác hại của bom mìn, vật liệu nổ còn tồn sót sau chiến tranh cho đồng bào dân tộc trên địa bàn. Các ngành, các cấp và các đơn vị chủ động giải quyết chế độ, chính sách đối với các đồng chí bị thương, bị hy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ.../.
Cảnh Minh