Xã hội
Gương sáng Cựu chiến binh Thủ Đô
03:53 PM 25/03/2019
Vượt qua muôn vàn khó khăn, những người lính cụ Hồ năm xưa vẫn nỗ lực hết mình cống hiến trí tuệ và sức lực, góp phần xây dựng quê hương. Trên địa bàn Thủ Đô có rất nhiều những tấm gương như vậy.
Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Cựu chiến binh (CCB) Phan Nhân Lợi, sinh năm 1962 ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, khiến mọi người nể phục  vì ý chí, sự tâm huyết của ông khi vượt khó vươn lên để xây dựng kinh tế gia đình phát triển từ mô hình trang trại mang lại thu nhập cao. 
Năm 1979, khi vừa tròn 17 tuổi, Phan Nhân Lợi tình nguyện nhập ngũ và đóng quân tại Đại đội 16, Trung đoàn 169, Sư đoàn Bộ binh 311, chiến đấu ở mặt trận Cao Bằng trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Năm 1983, ông xuất ngũ, trở về địa phương, tham gia Hội CCB xã và tập trung phát triển kinh tế gia đình.
CCB Phan Nhân Lợi luôn học hỏi, tìm tòi để nâng cao chất lượng sản phẩm
Gia đình ông nhận thầu khu đất ruộng trũng của xã quanh năm ngập nước để đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp và bước đầu đã đưa lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Bằng ý chí và nghị lực của “Bộ đội Cụ Hồ”, trên diện tích khoảng gần 20.000m2, vợ chồng ông đã dùng toàn bộ số tiền tích cóp được, vay mượn thêm để khai hoang, đào ao (hơn 1ha) thả cá. Không chỉ chú trọng vào nuôi cá, ông Nhân còn trồng hơn 300 gốc bưởi. Bình quân mỗi năm, trang trại của gia đình ông thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Điều đáng ghi nhận ở CCB Phan Nhân Lợi là ông đã phát huy được phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, dám nghĩ, dám làm và luôn học hỏi, tìm tòi để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu năm 2017, ông được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và huyện Quốc Oai chọn làm thí điểm xây dựng mô hình “nuôi cá sông trong ao” theo công nghệ Mỹ. Biết đây là mô hình sản xuất sạch, ông đã nhận lời. Cuối năm 2017, ông Lợi hút cạn ao, chờ đáy khô để chuẩn bị xây bể nuôi cá theo công nghệ mới. Mặc dù là mô hình thí điểm, nhưng ông Lợi đã mạnh dạn xây 2 bể, với kích thước: Rộng 5m, dài 20m, sâu 2,5m, dốc về phía đuôi và có hệ thống xử lý phân ở cuối bể, số lượng cá nuôi tối đa 5.000 con/bể (chủ yếu là cá chép và cá trắm). Chi phí đầu tư mỗi bể khoảng 150 triệu đồng. 
Hiện nay, ông Lợi đang chuẩn bị cho đợt thu hoạch lứa cá đầu tiên thử nghiệm vào tháng 3 tới. Ông luôn lạc quan ở phương pháp nuôi mới và tin rằng sẽ thành công. Ông cũng sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp đỡ các hội viên CCB và người dân trong thôn, xóm về kỹ thuật chăn nuôi làm giàu chính đáng từ vườn cây, ao cá của mình.
Cựu chiến binh hết lòng vì việc chung
Năm 2018, xã Phú Cường (Ba Vì-Hà Nội) đã triển khai mô hình “Ngõ liên gia tự quản về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường”. Một trong những ngõ triển khai hiệu quả mô hình này là ngõ số 1, xóm 7, thôn Thanh Chiểu và người gây dựng thành công mô hình là ông Vũ Văn Điệt, Trưởng ngõ liên gia số 1.
Năm nay 69 tuổi, từng tham gia quân ngũ vào năm 1969, chuyên huấn luyện bộ đội đặc công, sau đó chuyển ngành về Viện Kiểm sát nhân dân, ông Điệt là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Sơn Tây trước khi về nghỉ hưu, vì vậy, khi về quê, ông luôn muốn cố gắng làm việc có ích để cùng nhân dân xây dựng quê hương. Ông Điệt cho biết: “Ngõ liên gia tự quản về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường là mô hình liên kết các hộ trong ngõ với nhau cùng chung tay đảm bảo an ninh trật tự, chia ngọt sẻ bùi và cùng nhau gìn giữ môi trường. Nếu duy trì được những hoạt động này thì rất tốt, sẽ góp phần xây dựng cụm dân cư văn minh, giàu mạnh”. 
Là người được 22 hộ gia đình trong ngõ tín nhiệm bầu làm ngõ trưởng, suốt năm qua, ông đã gây dựng mô hình ngõ mình là ngõ tiêu biểu của xã. Đầu tiên là việc liên quan các hộ trong ngõ, xác định trong một ngõ có các hộ gia đình sinh sống với nhau, đều có một con đường để đi ra, đi về, vì vậy, với vai trò trưởng ngõ, ông Điệt đã liên kết các hộ gia đình với nhau, các công việc lớn của các gia đình đều được các hộ trong ngõ đến giúp đỡ, nhất là việc hiếu, việc hỉ, tổ chức thăm hỏi lúc ốm đau...
Không những vậy, các hộ còn thường xuyên trao đổi thông tin với nhau để nắm bắt tình hình an ninh trật tự, thông báo cho nhau nếu như có đối tượng khả nghi xâm nhập vào ngõ, để cùng nhau có biện pháp đấu tranh. Nhờ đó, hoạt động của mô hình Ngõ liên gia tự quản đã thu hút đông đảo các thành viên tham gia. Người dân trong ngõ nhiệt tình hưởng ứng các phong trào như: Giáo dục con em không vi phạm pháp luật; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa; nâng cao cảnh giác, đấu tranh, tố giác tội phạm, đảm bảo ANTT thôn xóm. 
Sau khi triển khai tại ngõ của ông Điệt, nhiều ngõ khác ở xã Phú Cường cũng đã triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt trong năm qua, hưởng ứng Phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới do xã phát động, ông Điệt đã vận động một số hộ trong ngõ hiến 14 mét vuông đất để mở rộng ngã tư vào ngõ, góp phần mở rộng đường, thuận tiện cho bà con đi lại. Cùng với đó, ông còn vận động các hộ tự nguyện đóng góp được 20 triệu đồng, hơn 100 ngày công lao động cùng với nguồn của xã giúp đỡ để làm đường mương thoát nước của ngõ ra ngoài ao của thôn. Bên cạnh đó, các hộ cũng làm cổng ngõ, tạo cho khu dân cư sạch đẹp, khang trang.
Những việc làm cụ thể, thiết thực có hiệu quả, ông Vũ Văn Điệt đã được UBND huyện Ba Vì công nhận Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2018.
Phúc Nguyên