Xã hội
Giải pháp nào giúp các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo phát huy tối đa hiệu quả
10:50 AM 16/11/2021
(LĐXH) – Theo nhận định của nhiều cơ quan chức năng, thời gian qua đa số các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước... Đặc biệt, các cơ sở này đã tiếp nhận, chăm sóc và trợ giúp cho nhiều nhóm đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau, trong đó cơ bản là người khuyết tật, tâm thần, trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi, người cao tuổi cô đơn, còn lại là người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành...
Các tổ chức tôn giáo đã đóng góp nhiều công sức trong đảm bảo an sinh xã hội
Một trong những thế mạnh của các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo là kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được huy động từ cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, góp phần chia sẻ với Nhà nước về nguồn lực tài chính trong việc chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội... Bên cạnh đó, các cơ sở này còn làm tốt công tác cung cấp các dịch vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và luôn đề caovai trò dạy dỗ, giáo dục và tạo điều kiện cho các em tham gia học tập nâng cao kiến thức để hòa nhập với cộng đồng xã hội... Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã giải quyết chế độ trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội cao hơn theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, tiêu biểu là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương...
Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo còn gặp nhiều khó khăn do công tác quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành phố đối với các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ thuộc các tổ chức tôn giáo còn mang tính chất hành chính; chưa chủ động tiếp cận, hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở cũng như chưa kịp thời chấn chỉnh đối với các cơ sở hoạt động chưa đúng quy định; các tỉnh, thành phố chưa chú trọng xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội định kỳ và đột xuất. Việc triển khai chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội chưa thống nhất tại một số địa phương. Một số tỉnh, thành phố chưa thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập nói chung và cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo nói riêng.
Hiện còn nhiều cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đã tổ chức nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội nhưng không đủ điều kiện để thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định. Điều này dẫn đến việc một số đối tượng bảo trợ xã hội sống trong cơ sở này chưa được giải quyết các chính sách trợ giúp xã hội như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí. Công tác đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu cho trẻ em bị bỏ rơi chưa được quan tâm, chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Đông đảo tăng ni, phật tử chi viện cho phòng chống Covid- 19 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo hiện nay mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống mà chưa cung cấp đa dạng các loại dịch vụ khác. Một số cơ sở trợ giúp xã hội có cơ sở vật chất bị xuống cấp, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng; các cơ sở gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động, nâng cấp cơ sở vật chất và chăm sóc đối tượng, đào tạo nhân viên. Nhân viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội, thiếu kỹ năng và phương pháp chăm sóc khoa học, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng.
Nhiều trường hợp người đứng đầu cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thuộc các tổ chức tôn giáo chưa nhận thức đúng về nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích khi thực hiện thủ tục thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật, thậm chí chưa qua đào tạo công tác xã hội hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau. Các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo thường làm công tác nhân đạo, cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh. Do vậy, việc làm hồ sơ, thủ tục để tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng chưa được thực hiện tốt theo quy định; nghiệp vụ quản lý, chăm sóc đối tượng còn yếu; việc đăng ký khai sinh cho trẻ em còn chưa kịp thời, thiếu sự liên kết, kết nối mang tính hệ thống với các cơ quan phúc lợi xã hội, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác...
Chất lượng chăm sóc, trợ giúp xã hội của một số cơ sở trợ giúp xã hội còn hạn chế, chưa thực hiện theo tiêu chuẩn chăm sóc quy định tại Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25/2/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Một số cơ sở trợ giúp xã hội thuộc tổ chức tôn giáo đặt trong khuôn viên cơ sở thờ tự của các tôn giáo (như ở tại các chùa, cạnh nhà thờ, nhà dòng...).
Các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay chủ yếu được thành lập trong 02 tôn giáo là Công giáo và Phật giáo; các tôn giáo khác tham gia còn ít, chưa có quy mô thành lập trung tâm/cơ sở hoặc chưa tham gia hoạt động này.
 Nguyễn Hữu Bắc