Lao động
Giải pháp giảm thiểu đình công và tranh chấp lao động ở Hà Nội
08:20 AM 10/10/2017
(LĐXH)- Những năm qua, hoạt động của Ban chỉ đạo TP Hà Nội và tổ công tác giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật đã phối hợp rất chặt chẽ từ thành phố đến từng quận, huyện.
Tính từ năm 2008 đến tháng 9 năm 2017 đã có 131 cuộc tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có 37 cuộc được hướng dẫn thương lượng không xảy ra đình công, còn lại 94 cuộc đã dẫn đến đình công. Quy mô mỗi cuộc đình công thường diễn ra trong khoảng từ 3 đến 4 ngày, cá biệt có đơn vị kéo dài tới 9 ngày (Công ty TNHH Endo Stainless – Khu công nghiệp Nội Bài với khoảng 15.000 người tham gia). Trung bình mỗi cuộc đình công có khoảng 300 người tham gia, trong đó doanh nghiệp có số lao động đình công thấp nhất là 50 lao động, doanh nghịêp có số lượng người tham gia đình công đông nhất là 3.000 lao động). Nhìn chung, các cuộc đình công đều mang tính tự phát.
Đi tìm nguyên nhân
Theo đánh giá, có một số nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lao động và đình công. Về quản lý Nhà nước: Trước tình hình giá cả tăng cao liên tục, mức thu nhập của người lao động không đảm bảo đời sống, đặc biệt là đối với người lao động làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất. Chính phủ đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo lộ trình, nhằm cải thiện phần nào thu nhập cho người lao động (NLĐ).
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp chia sẻ thông tin tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, diễn ra tại Hà Nội ngày 21/7/2017
Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đã trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu chung, song vẫn khó đáp ứng được nhu cầu hàng ngày của đời sống người lao động. Bên cạnh dó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và người sử dụng lao động chưa được thường xuyên. Công tác thanh, kiểm tra và phúc tra tuy đã được thực hiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế do số lượng doanh nghiệp quá nhiều, trong khi lực lượng thanh tra viên lại quá mỏng.
Về phía người sử dụng lao động: Các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc việc xây dựng, đăng ký thang lương, bảng lương dẫn đến việc chưa công khai, dân chủ trong việc thực hiện tính tiền lương, trả lương, nâng lương cho người lao động nên đã gây ra bức xúc đối với người lao động. Tình trạng này diễn ra ở một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất. Nhiều doanh nghiệp chưa tiến hành thương lượng, bàn bạc công khai và ký kết thoả ước lao động tập thể làm căn cứ thực hiện các lợi ích cho người lao động ngoài quy định của Bộ luật Lao động hoặc những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật Lao động. Nhiều doanh nghiệp khi ký hợp đồng lao động với NLĐ còn mập mờ giữa thời gian thử việc và học việc nhằm kéo dài thời gian thử việc của NLĐ.
Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đúng mức tới điều kiện làm việc của người lao động (Ảnh có tính chất minh họa)
Trong khi đó, tại nhiều doanh nghiệp, điều kiện làm việc và ăn uống của NLĐ chưa thực sự được quan tâm đúng mức như làm việc trong môi trường nóng bức, nơi để xe chưa phù hợp, chất lượng và số lượng bữa ăn của NLĐ không đảm bảo, nên người lao động không thể tái sản xuất sức lao động được. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa nắm được tâm lý người lao động Việt Nam để có những quy định phù hợp.
Về phía NLĐ: Đa số công nhân trong khu công nghiệp là người ngoại tỉnh không có nhà ở, phải thuê nhà của dân trong các thôn, xã gần khu công nghiệp thuộc các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Mê Linh, Chương Mỹ... trong điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Hiện nhu cầu về nhà ở của người lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất là rất lớn. Tuy thành phố đã có chính sách đối với đối tượng lao động này, nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu thực tế. Phần lớn NLĐ phải thuê nhà ở chung để tiết kiệm chi phí nên rất chật chội, sinh hoạt khó khăn, nóng bức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến NLĐ bức xúc, trong khi sự hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật của công nhân còn rất hạn chế, nên khó giải thích và thương lượng.
Người lao động nêu ý kiến tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do Bộ LĐTB&XH tổ chức
Về tổ chức công đoàn: Hiện đa số cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp đều là kiêm nhiệm và chịu sự ràng buộc vào hợp đồng lao động với người sử dụng lao động nên khó khăn trong việc bảo vệ NLĐ. Trình độ của cán bộ công đoàn cơ sở và cán bộ chuyên trách công đoàn đã được quan tâm cải thiện nhưng vẫn có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Theo quy định của pháp luật, công đoàn là tổ chức lãnh đạo, khởi xướng đình công nhưng trên thực tế cho thấy công đoàn cơ sở và công đoàn các cấp lại trực tiếp cùng với các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng tham gia giải quyết đình công.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khác khiến tranh chấp lao động và đình công xảy ra đó là sự khác biệt về văn hoá, bất đồng về ngôn ngữ giữa chủ sử dụng lao động nước ngoài với NLĐ Việt Nam dẫn tới không thông hiểu, chia sẻ thậm chí hiểu lầm giữa hai bên. Thái độ không đúng mực của một số cán bộ quản lý người Việt Nam cũng là nguyên nhân gây ra bức xúc đối với người lao động.
Một doanh nghiệp đối thoại với người lao động
Giải pháp giảm thiểu đình công trong thời gian tới
Những năm qua, hoạt động của Ban chỉ đạo TP Hà Nội và tổ công tác giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật đã phối hợp rất chặt chẽ từ thành phố đến từng quận, huyện. Từ đó đã có tác dụng trực tiếp nhằm hạn chế các cuộc đình công tự phát trên địa bàn thành phố và nếu có các cuộc đình công xảy ra thì không để lại hậu quả cho doanh nghiệp.
UBND TP Hà Nội đã ban hành một số văn bản chỉ đạo triển khai, như: Kế hoạch về việc triển khai Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 5/6/2008 của Ban bí thư Trung ương, trong đó đã phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng Sở, ngành của thành phố, ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất, UBND các quận, huyện trên địa bàn; Kế hoạch triển khai đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012” và giai đoạn hai từ năm 2013 đến năm 2016. Triển khai có hiệu quả đề án: “Phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2014-20120”. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố và Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất tuyên truyền và đối thoại với người lao động về Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.
Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn quy trình đình công, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp lao động cá nhân, qui trình giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật lao động trên địa bàn thành phố và pháp luật khác có liên quan, nâng cao năng lực hoạt động của hòa giải viên lao động tại các quận huyện, thị xã.
Để giảm thiểu các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật lao động. Trong gần 05 năm (2013, 2014, 2015,2016, 09 tháng năm 2017), Sở đã trình thành phố bổ nhiệm 114 hòa giải viên thuộc 30 quận, huyện, thị xã để hòa giải các tranh chấp phát sinh tại các quận huyện, góp phần giảm thiểu các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật. Kết quả trên địa bàn đã không có vụ việc phức tạp, nổi cộm xảy ra.
Lãnh đạo TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố tại Hội nghị đối thoại với công nhân lao động
Trong thời gian tới, để giảm thiểu đình công, Sở LĐTB&XH TP Hà Nội kiến nghị một số giải pháp chính sau:
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo Tổ công tác liên ngành giải quyết các vụ đình công không đúng trình tự thủ tục; thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo và tổ công tác thực hiện theo quy trình giải quyết các vụ đình công không đúng quy định pháp luật lao động. Phát huy vai trò Hội đồng trọng tài lao động thành phố thực hiện tốt chức năng hoà giải các vụ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và các vụ tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp không được đình công.
Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động đến các chủ sử dụng lao động và NLĐ bằng các hình thức phong phú. Đặc biệt là việc hướng dẫn xây dựng hệ thống thang, bảng lương, xây dựng ký kết thoả ước lao động tập thể , tập trung vào những nội dung dễ xảy ra tranh chấp như tiền lương, thời giờ làm việc nghỉ ngơi, phúc lợi xã hội... 
Tính từ năm 2008 đến tháng 9 năm 2017 đã có 131 cuộc tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội (Ảnh có tính chất minh họa)
Thứ ba, tăng cường quản lý Nhà nước về lao động trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt tập trung vào các nội dung như: Tiền lương, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động, kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất... Tập trung thanh kiểm tra thực hiện Bộ luật Lao động trong các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có số lao động lớn, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Thường xuyên theo dõi và kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động không để tranh chấp kéo dài dẫn đến đình công.
Thứ tư, có chương trình phối hợp liên tịch giữa Sở LĐTB&XH và Liên đoàn Lao động thành phố về việc phát triển tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp. Nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên công đoàn, NLĐ trong doanh nghiệp chấp hành luật pháp lao động, giảm thiểu các cuộc đình công không đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật.
Thứ năm, tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ làm công tác quản lý lao động ở cơ sở, (tại các quận, huyện, doanh nghiệp) các hòa giải viên quận, huyện để chủ động công việc khi xảy ra tranh chấp lao động và đình công. Duy trì cơ chế phối hợp, chế độ thông tin kịp thời nắm bắt quan hệ lao động ở các doanh nghiệp, đặc biệt xử lý các điểm nóng dễ phát sinh tranh chấp lao động và đình công./.
                  Dương Thìn